Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đề nghị được khoanh nợ

Khánh Vũ| 22/05/2019 18:29

(HNMO) - Ngày 22-5, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hội nghị giải quyết vướng mắc về BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Phát biểu mở đầu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết: "Năm 2018, công tác BHXH được thực hiện khá tốt, dù số nợ còn cao, song đã giảm nợ so với năm 2017 là 24,9%. Tuy nhiên, năm 2019, tình hình nợ có dấu hiệu tăng, hiện nay còn 37.000 đơn vị có nợ với hơn 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2018. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp kịp thời, việc thực hiện công tác BHXH năm 2019 sẽ khó đạt chỉ tiêu".

Về nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỉ trọng lớn (66,4% tổng số tiền nợ). Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp này chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế.

Về phía mình, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ của đơn vị mình. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động khó khăn, lãi suất từ tiền nợ bảo hiểm cao; các khoản nợ do lịch sử để lại, kéo dài sau nhiều năm. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, không có nguồn thu. Lý do được hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đưa ra là chưa thu hồi được công nợ từ những dự án có vốn ngân sách nhà nước.

Đại diện của Công ty cổ phần Lilama 3, đơn vị đứng đầu danh sách nợ với trên 33 tỷ đồng cho biết, số tiền nợ này phát sinh từ nhiều năm, qua rất nhiều các dự án khác nhau, trong đó có những dự án đang bị xử lý vì liên quan tới các vi phạm pháp luật. Hơn một nửa số nợ là tiền lãi do chậm nộp. Về hướng giải quyết tình trạng này, đại diện công ty cho biết: "Sau rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã được tái cơ cấu và bước đầu có những khởi sắc. Năm vừa qua, doanh nghiệp đã đóng toàn bộ phát sinh nợ bảo hiểm hằng năm cho người lao động để tránh tạo nợ mới. Sản lượng của doanh nghiệp đang được khắc phục dần dần, nhưng khoản nợ cũ và lãi là quá lớn".

Đại diện doanh nghiệp mong muốn BHXH thành phố xem xét cho công ty được khoanh nợ cũ để không tạo tâm lý bất an, người lao động yên tâm công tác, doanh nghiệp có nguồn thu để tiếp tục trả tiền bảo hiểm cho người lao động.

Trao đổi về những đề xuất nêu trên, Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết, về lãi suất nợ bảo hiểm, từ năm 2016, cách tính lãi đã được thay đổi theo hướng giảm nhẹ cho doanh nghiệp. Còn mức tính lãi suất là do quy định của trung ương, không phải do cơ quan bảo hiểm. Với các đề xuất khoanh nợ, khoanh lãi bảo hiểm của doanh nghiệp, theo điều 93 của Luật Bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm không có thẩm quyền về việc này.

"Cơ quan BHXH sẽ cố gắng tìm giải pháp để cùng doanh nghiệp xử lý vấn đề nợ đọng nhưng các doanh nghiệp cần đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật", ông Nguyễn Đức Hoà nói.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị đại diện các sở, ngành, cơ quan BHXH, đặc biệt là đại diện các đơn vị liên quan nợ tiếp tục trao đổi, đối thoại để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện công tác BHXH và tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đề nghị được khoanh nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.