Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia nhập Công ước số 98: Chống phân biệt đối xử, bảo vệ người lao động

Bảo Hân| 29/05/2019 10:03

(HNMO) - Sáng 29-5, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu, Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Công ước đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1-7-1949. Đến tháng 1-2019, đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia công ước này.

Tờ trình nêu rõ, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Công ước có hiệu lực vô thời hạn. Tuy nhiên, sau khi gia nhập, Việt Nam có thể rút khỏi Công ước khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực.

Công ước sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng Công ước cho lực lượng vũ trang và công chức sẽ do pháp luật Việt Nam quy định.

Đối với các quyền phát sinh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng nêu rõ, đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Công ước số 98 là người lao động. Họ sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.

Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do thương lượng tập thể thực chất sẽ góp phần đưa ra những giải pháp ổn định và phát triển lực lượng lao động có chất lượng; tăng năng suất lao động; hạn chế, phòng ngừa tranh chấp lao động đình công; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.


Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu, việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.

Báo cáo thẩm tra cũng đưa ra một số kiến nghị việc gia nhập Công ước số 98, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa đảm bảo tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước số 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan; xây dựng đề án triển khai; có lộ trình, có sự phân công, phối hợp triển khai từng công việc cụ thể, cần quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98 đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân, nhất là các chủ thể chịu tác động trực tiếp, như: Hệ thống công đoàn Việt Nam, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và người lao động.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu sớm trình sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia nhập Công ước số 98: Chống phân biệt đối xử, bảo vệ người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.