Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Bảo Hân| 14/06/2019 09:20

(HNMO) - Với 443/449 biểu quyết tán thành (chiếm 91,53% tổng số đại biểu), sáng 14-6, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).


Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 207 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về:

Hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp;

Quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Điều 25 và Điều 37 Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) đã bổ sung quy định xử lý trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù với lý do ốm nặng nhưng có dấu hiệu phục hồi sức khỏe để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.


Theo đó, người được hoãn chấp hành án phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn trốn tránh việc chấp hành án hoặc người được hoãn chấp hành án phạt tù có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự được giao quản lý có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa.

Trường hợp kết quả giám định xác định người được hoãn chấp hành án đã phục hồi sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự thực hiện việc đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án.

Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự đề nghị chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định hủy quyết định hoãn chấp hành án và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Chi phí giám định do cơ quan trưng cầu giám định chi trả.

Về quy định tổ chức lao động cho phạm nhân, Điều 33 luật quy định:

Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam;

Khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để phê duyệt.

Chính phủ quy định chi tiết về kế hoạch lao động cho phạm nhân hằng năm.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành phương án quy định cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân theo hướng doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không nhất trí phương án này.

Về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu quan điểm, lao động là nghĩa vụ bắt buộc đối với người bị phạt tù và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác này thì việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết.

Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động là vấn đề mới. Qua xin ý kiến đã chưa đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội nên UBTVQH đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2019.

Điều 4 của luật quy định, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày luật có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (theo quy định tại luật này). Trường hợp không đáp ứng các quy định về điều kiện thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.

Các đơn đăng ký sáng chế, chỉ dẫn địa lý được nộp trước ngày 14-1-2019 được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12.

Các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết giữa các bên nhưng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày 14-1-2019 chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể từ ngày này.


Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày 14-1-2019 nhưng chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 để giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.