Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở

Triệu Hoa| 14/06/2019 10:56

(HNMO) - Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn


Sáng 14-6, điều hành nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, để thể hiện ý chí quyết tâm của Quốc hội nhằm tạo chế tài nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh người gây tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, để lại hậu quả nghiêm trọng, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia khoản 6 với nội dung: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Kết quả biểu quyết bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".


Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu thêm, trong quá trình thảo luận tại kỳ họp, UBTVQH xin ý kiến các đại biểu theo 2 phương án: Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông và giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật. Cả hai phương án này đều không đạt được trên 50% đại biểu tán thành.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, việc quy định cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, là cần thiết.

Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

Đồng thời, thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

Kết quả, qua biểu quyết, đã có 374/446 đại biểu tán thành việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm này (chiếm 77,27% tổng số đại biểu).

Với việc bổ sung quy định này vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi như sau: “Điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được sửa đổi như sau: “Làm việc trên phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Toàn bộ dự thảo luật gồm 7 chương, 36 điều được thông qua sau đó với 408/450 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 84,30% tổng số đại biểu).

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.


Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.

13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.