Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát mặt trái của mạng xã hội: Lá chắn an ninh cần thiết

Quỳnh Dương| 21/06/2019 09:26

(HNMCT) - Bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ thông tin như vệ tinh, cáp quang và Internet đã giúp cho việc chuyển tải nhiều kênh thông tin tới các khu vực trên thế giới được dễ dàng và tiện lợi.

Ở nhiều quốc gia, việc tăng cường kiểm soát truyền thông xã hội đã trở thành xu thế bắt buộc để bảo đảm một môi trường mạng lành mạnh, an toàn.


Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cũng như thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át. Đặc biệt, những mặt trái của mạng xã hội, trong đó rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng... đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực khó lường. Điều này buộc nhiều quốc gia phải vào cuộc để giảm thiểu hệ lụy do truyền thông xã hội gây ra.

Nguy cơ mất kiểm soát an ninh

Với tốc độ phát triển chóng mặt, không ít người đã phong cho Internet, các trang mạng xã hội là “quyền lực thứ 5”, sau 4 “quyền lực” lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí. “Quyền lực thứ 5” này đã trở thành một sức mạnh to lớn, vượt lên trên, ra bên ngoài các biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật của một quốc gia cụ thể. Với bản chất không biên giới, bên cạnh lợi thế vốn có, thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới (IUT), tính đến tháng 1-2019, đã có hơn 4,3 tỷ người trên thế giới tiếp cận được với Internet, chiếm 57% dân số toàn cầu; hơn 3,4 tỷ người đăng ký tham gia vào các mạng xã hội, chiếm 45% dân số thế giới; hơn 5,1 tỷ người dùng thiết bị di động, chiếm 67% dân số thế giới; hơn 3,2 tỷ người tham gia mạng xã hội qua thiết bị di động...

Ngoài ra, mỗi phút trên Internet có khoảng 7 triệu tin nhắn được gửi qua Snapchat; hơn 200 triệu ảnh được bấm nút like trên Facebook; 2,4 triệu ảnh được like trên Instagram; 400 giờ tải video trên YouTube...

Chỉ khảo sát ở góc độ chính trị - xã hội, 10 năm gần đây, mạng xã hội đã khiến nhiều quốc gia phải điêu đứng. Tại Trung Đông và Bắc Phi, hầu hết những biến động chính trị lớn dẫn tới sự sụp đổ chính quyền ở một loạt quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Libya... đều có sự tham gia đắc lực của mạng xã hội.

Phong trào biểu tình của người mặc áo vàng khiến nước Pháp sục sôi suốt nửa năm qua cũng bắt nguồn từ video của nghệ sĩ đàn accordion có tên Jacline Mouraud gửi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính quyền vào cuối năm ngoái.

Chỉ trong vòng 1 tháng, video được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và kết quả là đến ngày 17-11-2018, hơn 300.000 người trên khắp nước Pháp đã xuống đường biểu tình, lập rào chắn, chặn đường tạo sức ép cho chính phủ. Đến nay, dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhiều nhượng bộ, song phong trào áo vàng vẫn là nỗi lo không hề nhẹ vào mỗi cuối tuần tại đất nước hình lục lăng.

Ngoài các phong trào biểu tình, những năm gần đây, mạng xã hội cũng được cho là công cụ tiếp tay cho khủng bố lan rộng. Nhiều cuộc tấn công khủng bố bắt nguồn từ lời kêu gọi của các nhóm cực đoan trên các kênh Internet khiến lực lượng an ninh đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn.

Xây dựng lá chắn pháp lý

Đối mặt với những phức tạp mà mạng xã hội gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng. Thậm chí có nước còn coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia để tạo dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động.

Tháng 7-2015, Quốc hội Đức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Luật cũng bao gồm những điều, khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng Internet như cấm âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội. Ngoài ra, luật buộc các nhà cung cấp viễn thông phải cảnh báo khách hàng khi họ bị tin tặc tấn công, các nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu về lịch sử truy cập lên đến 6 tháng để phục vụ điều tra.

Về hoạt động của các trang mạng xã hội, luật xóa bỏ các phát ngôn thù hận trên các mạng xã hội đã có hiệu lực tại Đức vào năm 2017. Để khỏi bị phạt tiền, có khi lên tới 50 triệu euro, các mạng xã hội Facebook, Twitter và YouTube... đã phải xóa bỏ trong vòng 24 giờ mọi thông tin đăng tải bị coi là mang nội dung thù hằn, chẳng hạn các lời chửi rủa, xúi giục, kích động bạo lực hay tuyên truyền cho khủng bố.

Trong khi đó, chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội. Theo đó, hệ thống phân tích dữ liệu mạng xã hội sẽ theo dõi và lưu trữ tất cả dữ liệu trên mạng xã hội để phân tích và giám sát hàng triệu người. Các chế tài xử phạt đối với những người vi phạm cũng được tăng nặng. Theo Luật Tội phạm máy tính sửa đổi, người bị kết tội phỉ báng hay đăng thông tin làm tổn hại, đe dọa an ninh quốc gia có thể ngồi tù đến 10 năm cùng với mức phạt tiền cao nhất là 200.000 baht (khoảng 6.000 USD). Cơ quan chính phủ cũng được quyền đóng website bị cho là đăng thông tin nhạy cảm.

Theo giới chức, mục đích của việc tăng cường giám sát là nhằm ngăn chặn thông tin xấu, gây rối loạn trật tự xã hội và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Cho đến nay, chính phủ nước này đã chi ngân sách tương đương 3,8 triệu USD để tăng cường các biện pháp công nghệ giám sát trên mạng.

Tại Nga, ngày 18-3 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet. Theo đó, đối tượng phát tán thông tin giả gây thiệt hại cho đời sống và sức khỏe công dân, tài sản cũng như đe dọa gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt từ 30 đến 100.000 ruble; thông tin gây cản trở hoạt động của các cơ sở bảo đảm cuộc sống chịu mức phạt từ 100 đến 300.000 ruble và có thể bị phạt hành chính đến 15 ngày tạm giữ; phát tán thông tin gây hại cho công dân và tài sản, trật tự công cộng có thể bị phạt 300 - 400.000 ruble. Đặc biệt là mức phạt dành cho quan chức và các pháp nhân sẽ nghiêm khắc hơn, có thể lên đến 1,5 triệu ruble.

Có thể thấy, tăng cường kiểm soát an ninh mạng và hoạt động truyền thông xã hội đã trở thành xu thế bắt buộc để đảm bảo một môi trường trong lành, an toàn trên thế giới. Chính những quy định siết chặt quản lý an ninh mạng mà các nước đang áp dụng sẽ góp phần tạo dựng một lá chắn an ninh cần thiết để ngăn chặn những tư tưởng, hành động lệch lạc, cực đoan lan rộng. Đây chính là những mầm mống gây bất ổn trật tự xã hội, đe dọa sự phát triển của xã hội văn minh trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát mặt trái của mạng xã hội: Lá chắn an ninh cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.