Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thủ đoạn cũ, cách làm mới!

Trí Dũng - Xuân Việt| 27/06/2019 06:26

(HNM) - Tin giả, mạo danh thường xuất phát từ những vấn đề được dư luận quan tâm trong đời sống. Lợi dụng việc này, các thế lực thù địch, cơ hội và bất mãn chính trị tìm mọi cách để chống phá Nhà nước ta thông qua mạng xã hội.


Tin giả có thể phân thành hai loại: Là những thông tin hoàn toàn không xác định được nhưng vẫn cố tình đăng tải, truyền bá với mục đích nào đó; và những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng được sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ, hoặc có thể họ phóng đại một phần câu chuyện đó…

Trở lại hai vụ việc gây mất an ninh trật tự thời gian gần đây liên quan đến việc xả thải ra môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (năm 2016) và lấy cớ phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (tháng 6-2018) cho thấy sự “đóng góp” của mạng xã hội là rất lớn, dù các cấp chính quyền đã nỗ lực tuyên truyền giải quyết vụ việc theo trình tự của pháp luật.

Cụ thể, từ sự kiện ban đầu các phần tử quá khích có sự cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài, nhất là tổ chức khủng bố Việt Tân, đã kích động, kêu gọi nhân dân “xuống đường” thông qua mạng xã hội, chức năng truyền hình ảnh trực tiếp (live stream). Kết quả của những cuộc “biểu tình ôn hòa” (như chúng gọi) ở Hà Tĩnh, Bình Thuận đã trở thành các đợt gây rối trật tự công cộng, tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ, hủy hoại tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự, thu hút đầu tư của hai tỉnh nói trên.

Ngay như vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trong hơn 2 năm vừa qua cũng cho thấy có sự tiếp tay rất lớn từ hai mạng xã hội Facebook và YouTube, thông qua công cụ live stream. Đó là khoảng 20-30 phần tử thường xuyên có những bài viết, truyền hình ảnh trực tiếp nhằm xuyên tạc sự thật về đất khu vực sân bay Miếu Môn dù vấn đề này đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Gian xảo hơn, nhóm này thường xuyên dùng danh xưng “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi” khi trả lời phỏng vấn báo, đài nước ngoài cũng như trên tài khoản mạng xã hội.

Trên thực tế, số người theo các đối tượng có hành vi quấy rối, chống phá đã ngày càng ít đi, trong khi dân số xã Đồng Tâm hiện có khoảng 9.000 người và họ rất mong muốn chính quyền sớm giải quyết, ổn định tình hình tại địa phương để bà con yên tâm làm ăn.

Đây chỉ là hai vụ việc điển hình cho thấy mạng xã hội không đơn thuần chỉ là công cụ giải trí mà đã trở thành một trong những đối tượng cần phải điều chỉnh do tiếp tay cho thông tin giả, thông tin không được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt, có tác động trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Tin giả thường được phát tán rất nhanh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với thông tin được kiểm chứng, có căn cứ.

Với sự phát triển của công nghệ, bất kỳ ai cũng dễ dàng tạo lập một tài khoản trên các mạng xã hội. Đặc trưng chung nhất của nạn tin giả trên mạng xã hội là chúng thường xuất phát từ những sự kiện, hiện tượng "nóng", gây tranh cãi trong đời sống thực. Những sự kiện nào càng "nóng", càng gây tranh cãi thì càng là đề tài béo bở cho phát sinh tin giả.

Chẳng hạn như những tin tức về các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, họp Quốc hội, nhân sự cấp cao, về thiên tai, dịch bệnh, khủng bố; về đời tư những người nổi tiếng, nhất là liên quan tới các đồng chí lãnh đạo…

Đặc biệt, lợi dụng những việc làm sai trái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, các thế lực chống phá cắt ghép hình ảnh để dựng thành những video kích động. Chúng thường "gia giảm" thông tin dưới những cái tít dễ gây tò mò, như: Hậu trường chính trị..., đằng sau vụ án...

Một điều đáng lưu ý khác là qua mạng xã hội, gần đây những phần tử xấu rất muốn lôi kéo hình thành sự tụ tập đông người thông qua những cái gọi là “tuần hành hòa bình”, “biểu tình ôn hòa” để từ đó kích động, dàn dựng thành vụ việc mất an ninh trật tự. Bản chất của “biểu tình ôn hòa”, “tuần hành hòa bình” thực chất vẫn chỉ là âm mưu trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang tiến hành ở nước ta. Như vậy, mạng xã hội được sử dụng như là cách thức mới để chống phá.

Cái gọi là “biểu tình ôn hòa” chỉ là vỏ bọc để tập hợp những người nhẹ dạ, nhưng thực chất chúng luôn chuẩn bị một kế hoạch phá hoại khác, đó là cố tình tạo ra các xung đột với lực lượng giữ gìn an ninh trật tự như ném đá, đánh người… rồi vu khống chính quyền đàn áp, nhằm kích động gây rối. Hoặc tự bố trí cho những kẻ chuyên "rạch mặt ăn vạ" vu cáo chính quyền đàn áp, để kích động đám đông hướng tới hành động bạo lực nhằm vào các lực lượng đang giữ gìn an ninh trật tự… Trong khi đó, những người tham gia mạng xã hội không phải ai cũng hiểu câu chuyện này; cũng như đủ bình tĩnh và tỉnh táo trước những lời phủ dụ để tránh mắc mưu kẻ xấu.

Hai năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều cuộc làm việc với Facebook và Google (sở hữu YouTube) về vấn đề kiểm soát thông tin vi phạm pháp luật. Đến nay, Google mới chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ khoảng 8.000 clip và còn khoảng 55.000 clip có nội dung độc hại, bóp méo sự thật chưa được ngăn chặn, gỡ bỏ.

Trong khi đó, Facebook đã gỡ bỏ khoảng 3.000/4.500 liên kết (link) có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; gỡ bỏ 165 tài khoản mạo danh, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực thông báo yêu cầu bóc gỡ tin, bài và tài khoản vi phạm thì các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên quốc gia luôn thực hiện rất chậm. Lý do họ đưa ra là mạng xã hội có các tiêu chuẩn cộng đồng của mình, dù chính sách này vi phạm pháp luật của nhiều quốc gia, đang bị lên án và siết chặt quản lý hơn bao giờ hết.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thủ đoạn cũ, cách làm mới!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.