Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách nhân văn đi vào cuộc sống

Khánh Vũ| 05/07/2019 07:26

(HNM) - Với nhiều người kém may mắn, cuộc sống đã khó khăn lại mắc bệnh hiểm nghèo, thì bảo hiểm y tế là chiếc “phao cứu sinh” giúp họ phần nào an tâm chữa trị bệnh suốt đời. Sau 10 năm đi vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009), Luật Bảo hiểm y tế đã phát huy hiệu quả rõ nét, khẳng định một chính sách nhân văn, ưu việt, được xem là trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

Nhờ bảo hiểm y tế, gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh của nhiều bệnh nhân đã giảm đáng kể. Ảnh: Thái Hiền

Bảo hiểm y tế - trụ cột an sinh xã hội

Do bị suy thận nên gần 14 năm nay, tuần nào, anh Hoàng Văn Hải (ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) cũng phải vào Bệnh viện Bạch Mai để điều trị bệnh. Anh Hải chia sẻ: Với điều kiện gia đình khó khăn, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, chắc anh không thể sống được đến ngày hôm nay, bởi chi phí cho việc điều trị bệnh quá lớn. Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp phải gắn bó lâu dài với giường bệnh, được bảo hiểm y tế chi trả với số tiền lớn. Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Hữu Dũng cho biết, chi phí cho mỗi buổi lọc thận là 543.000 đồng/bệnh nhân, chưa kể tiền thuốc, tiền xét nghiệm, tiền bổ sung đạm, sắt... Như vậy, tổng chi phí lọc thận mỗi tháng cho một bệnh nhân khoảng 10-12 triệu đồng. Trong khi đó, phần lớn người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, họ không thể thực hiện được kỹ thuật này. Hiện tại, bảo hiểm y tế chi trả gần như 100% chi phí cho các bệnh nhân lọc thận có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ riêng năm 2018 đã có khoảng 50 trường hợp điều trị các bệnh khác nhau, được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ 400 triệu đồng đến 4,7 tỷ đồng/bệnh nhân. Còn trên địa bàn Hà Nội, cũng trong năm 2018, Quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh toán hơn 20 tỷ đồng tiền khám, chữa bệnh cho 20 bệnh nhân. Trong đó, có 2 bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương được thanh toán với số tiền cao nhất. Đó là bệnh nhân L.M.V mắc bệnh bạch cầu dạng tủy cấp, được chi trả gần 2 tỷ đồng và bệnh nhân H.M.V mắc bệnh thiếu yếu tố 8 di truyền, được chi trả hơn 1,6 tỷ đồng. Có 7 bệnh nhân được thanh toán từ 1 đến 1,6 tỷ đồng và hơn 10 bệnh nhân được chi trả từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng. Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết, số bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương có thẻ bảo hiểm y tế chiếm từ 97% đến 98%. Nếu không có thẻ, thì hầu hết người bệnh khó có thể điều trị được một, hai đợt hóa chất và sử dụng các dịch vụ, loại thuốc đắt tiền.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị và không ít trường hợp được thanh toán với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2019, bảo hiểm y tế bắt đầu chi trả cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, trong khi các nguồn viện trợ không còn. Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược - Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2019 sẽ có khoảng 48.000 người có HIV có thẻ bảo hiểm y tế được sử dụng thuốc ARV. Đến năm 2020, số người có HIV còn lại sẽ được cấp thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

Hà Nội phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,2%

Khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tốc độ bao phủ bảo hiểm y tế có đà tăng trưởng nhanh trong khoảng 5 năm gần đây. Cuối năm 2012, tỷ lệ mới chỉ đạt 66,8% dân số, thì đến hết tháng 5-2019 đã đạt 89%.

Tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đạt 86,5% dân số. Bảo hiểm xã hội thành phố đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 197 cơ sở y tế. Tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của năm 2018 lên tới 17.659 tỷ đồng, chiếm 105,1% dự toán được giao, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 10,7 triệu lượt người. Hiện tại, có khoảng 6,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế phát hành còn giá trị sử dụng. Năm 2019, Hà Nội đặt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,2% dân số.

Để đạt chỉ tiêu này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, ngân sách nhà nước có hỗ trợ cho một số đối tượng tham gia. Cụ thể, hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo và thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng. Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao ý thức về trách nhiệm, quyền lợi trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, nhất là chủ sử dụng lao động tuân thủ nghiêm Luật Bảo hiểm y tế…

Sau 10 năm Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hợp tác của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế để kết nối, liên thông giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ đến khám, chữa bệnh được phục vụ kịp thời. Đặc biệt, việc xây dựng thành công dữ liệu hộ gia đình với đầy đủ thông tin của 24 triệu hộ, hơn 91 triệu người là nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y tế... Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã ký với gần 9.900 tổ chức, 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận với chính sách bảo hiểm y tế.

Còn theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc điều chỉnh giá viện phí, tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy người dân tham gia, giúp họ tránh được “bẫy nghèo” do đau ốm. Điều quan trọng, ngành Bảo hiểm xã hội cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân hiểu sâu, hiểu đúng về tính ưu việt, nhân văn của chính sách bảo hiểm y tế, để từ đó có ý thức, trách nhiệm tham gia, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và góp phần chia sẻ với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách nhân văn đi vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.