Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: Xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp

Khánh Mai| 12/07/2019 07:04

(HNM) - So với 20 năm trước, Hà Nội đã có bước tiến rất lớn với nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo sự gia tăng dân số đã tạo ra những thách thức không nhỏ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội đã ưu tiên triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường, xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nỗ lực cải thiện môi trường

Thư thái ngồi chơi cờ, hóng gió ven hồ Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), ông Nguyễn Văn Thiện (ngõ 34, Phương Mai) không quên cách đây 15 năm, người dân khổ sở sống chung với ô nhiễm hồ. “Lúc đó, hồ Phương Mai chưa được tách nước thải của khu dân cư nên không khác gì hố ga lộ thiên. Mặt hồ phủ kín bèo và rác, nước thì bốc mùi hôi thối nồng nặc, nên nhà nào cũng phải đóng kín cửa...” - ông Thiện chia sẻ.

Hệ thống hồ, ao đã thực sự trở thành những “lá phổi xanh” của thành phố. Ảnh: Xuân Chính

Không riêng hồ Phương Mai, thời điểm đó, tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải cũng xảy ra tại nhiều hồ nước trên địa bàn thành phố. Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số nhanh chóng đã tạo ra sức ép không nhỏ về môi trường, gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị. Không chỉ ao, hồ, hệ thống các sông, mương thoát nước cũng ô nhiễm trầm trọng, giảm chức năng tiêu thoát nước tự nhiên dẫn đến úng ngập thường xuyên xảy ra khi trời mưa lớn... Nhớ lại thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Hằng (ngõ 167 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) nói: "Ngày ấy, cứ mưa to là ngập. Sông Tô Lịch chảy qua địa bàn khu dân cư lẽ ra là nơi thoát nước, thì lại biến thành “rốn nước”. Nước không tiêu thoát kịp, tràn cả nước bẩn lên ngõ, rất hôi hám, thường phải 2 ngày sau mới rút hết nước...”.     

Để cải thiện tình trạng úng ngập, ô nhiễm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, từ năm 1998, Hà Nội đã triển khai dự án thoát nước giai đoạn I với mục tiêu chống ngập úng do nước mưa cho đô thị lõi của Thủ đô và trong lưu vực sông Tô Lịch. Theo đó, 4 sông chính gồm: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hàng loạt kênh, mương được cải tạo, nạo hút bùn, kè lát. Nhiều tuyến đường dọc các tuyến sông cũng hình thành, giải quyết “kép” vấn đề môi trường và giao thông...

Năm 2008, Hà Nội tiếp tục triển khai dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, nâng cấp, cải tạo các trạm bơm đầu mối Yên Sở và 12 trạm bơm nước khác. Hàng loạt hồ điều hòa ở nội thành cũng được cải tạo, kè lát, tách hệ thống nước thải không cho chảy vào hồ... Tạo môi trường sống trong lành cho người dân, công tác xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ cũng được Hà Nội quan tâm triển khai. Nhờ vậy, nhiều “lá phổi xanh” của thành phố đã hồi sinh, trở thành những "máy điều hòa không khí khổng lồ” của khu dân cư.

Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Không ngừng quan tâm, đem lại môi trường sống tốt cho người dân, cùng với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”.

Con đường hoa tường vi ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Tăng không gian xanh, Hà Nội thực hiện quy hoạch lại hệ thống cây xanh; chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh trên đường phố. Cùng với triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016-2020, đã về đích trước thời hạn 2 năm) và tiếp tục kế hoạch trồng thêm 600.000 cây xanh, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020; nhiều không gian xanh đã, đang được nhân lên, đem đến những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị cho Thủ đô Hà Nội cũng như giúp cải thiện môi trường. Nhiều chủng loại cây mới như hoa ban, cọ dầu, bàng lá nhỏ, long não, giáng hương, lộc vừng... được đưa vào trồng ở Hà Nội tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị.

Cùng với làm đẹp cảnh quan, việc giữ sạch, sáng đường phố cũng được thành phố đẩy mạnh thông qua các hoạt động như xóa “điểm đen” về rác thải, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép; đổi mới công tác duy trì vệ sinh môi trường, đưa tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận đạt 99-100%; tại các huyện đạt 87-88%... Đáng nói là hoạt động giữ sạch, sáng, đẹp đường phố còn nhận được sự ủng hộ, chung tay của cả cộng đồng.

Ở các huyện ngoại thành, phong trào cải tạo ao hồ, trồng cây xanh, tạo dựng các tuyến đường hoa... cũng được triển khai rộng khắp. Nhờ vậy, ngoại thành hôm nay không chỉ có thêm nhiều nhà mới, đường mới, công trình văn hóa xã hội mới... mà còn đẹp hơn nhờ những mặt ao sạch đẹp, những tuyến đường hoa rực rỡ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La (quận Hà Đông) Lê Thị Hương chia sẻ: "Quyết tâm xây dựng khu dân cư sạch, đẹp, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La đã hưởng ứng, thu dọn hàng nghìn khối rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng dọc bờ sông Nhuệ (khoảng 1km, thuộc tổ dân phố số 19) và nhanh chóng phủ xanh bằng cây và hoa... Ngoài ra, hội còn phối hợp với các tổ dân phố khác xóa 8 điểm chân rác, xây dựng 3 tuyến đường xanh, 2 vườn hoa và 1 sân chơi... Chính sự nhập cuộc của cả cộng đồng, cùng có ý thức chung tay trong việc giữ sạch, đẹp đường phố đã góp phần tạo diện mạo đô thị ngày càng sáng, sạch hơn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: "Những năm qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Rất nhiều nghị quyết, kế hoạch, đề án liên quan đã được thành phố ban hành và thực hiện hiệu quả. Hà Nội cũng đã dành nguồn lực đầu tư tương xứng cho công tác bảo vệ môi trường. Điển hình là việc xây dựng, đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 6 trạm quan trắc nước mặt tự động (cuối năm 2016), đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường không khí đồng bộ. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị có phát sinh nguồn xả thải lớn hơn 1.000m3/ngày- đêm đều phải lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường".

Để giảm ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông gây ra, Hà Nội cũng có chủ trương phát triển hệ thống vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 110 tuyến xe buýt, bảo đảm 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn có xe buýt phục vụ việc đi lại của nhân dân...

Chia sẻ về những thay đổi của Hà Nội, ông Nguyễn Đỗ Tiến (ngõ 429 Kim Mã, quận Ba Đình) không giấu niềm vui khi cho biết: “Tôi ở đây đã gần 40 năm, cảm nhận rất rõ những thay đổi tích cực của thành phố. Hà Nội ngày một đẹp lên, xanh hơn, thanh bình hơn; có thể nhìn rõ qua bức tranh đường phố, cây xanh, cuộc sống yên bình với môi trường sống sạch của người dân”. Thành quả này đến từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, hành động quyết liệt từ thành phố đến cơ sở; đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của người dân Thủ đô… cùng vì một Thủ đô thanh bình, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: Xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.