Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết quả thi hành án dân sự đạt thấp: Cần cơ chế “gỡ khó”

Hà Phong| 27/07/2019 07:48

(HNM) - Những tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Thủ đô có số việc thi hành án thụ lý mới tăng mạnh, trong đó có nhiều vụ phức tạp, giá trị lớn nhưng đương sự cố tình chống đối, không thực hiện. Thực tế này khiến kết quả thi hành án dân sự của thành phố đạt thấp so với chỉ tiêu được giao. Để khắc phục thì bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan thi hành án, rất cần có cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn đang đặt ra.

Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Lê Xuân Hồng, trong 8 tháng năm 2019 (tính từ tháng 10-2018), tổng số thụ lý về việc, về tiền của các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, số việc thụ lý mới là 23.477 việc (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018); số tiền thụ lý mới là hơn 15.000 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó phát sinh nhiều vụ việc phải thi hành với giá trị lớn, phức tạp...

Gần đây nhất là vụ tranh chấp hợp đồng giữa Công ty TNHH Hi Brand - chủ đầu tư dự án Lacasta (phường Văn Phú, quận Hà Đông) và nhà thầu xây dựng là Công ty Daewoo E&C được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý.

Quá trình giải quyết, tòa án ban hành văn bản cấm chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng nhà ở thuộc dự án và cơ quan thi hành án đã ban hành quyết định thi hành. Song bất chấp quyết định của tòa án và cơ quan thi hành án, chủ đầu tư dự án vẫn ngang nhiên bán nhà thuộc dự án.

Trước vi phạm của chủ đầu tư trong việc chấp hành quyết định của tòa án và cơ quan thi hành án, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng.

Vụ việc nêu trên là một trong những ví dụ điển hình về việc đương sự cố tình không thi hành án. Tình trạng này đã và đang là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án chung của toàn thành phố.

Kết quả công tác thi hành án dân sự 8 tháng năm 2019 của các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đạt thấp so với chỉ tiêu được giao: Về việc đạt tỷ lệ 56,48% (thấp hơn 17,02% so với chỉ tiêu được giao) tương ứng với số tiền trên 2.721 tỷ đồng.

Là đơn vị có kết quả thi hành án thấp nhất thành phố, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ đánh giá, nguyên nhân chính là do việc bán đấu giá tài sản thi hành án gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp tài sản thi hành án không có ai mua.

Tại buổi làm việc giữa Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) với cán bộ chủ chốt Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội về kết quả công tác 8 tháng năm 2019, khó khăn khá phổ biến được nêu ra đó là tình trạng người phải thi hành án (đặc biệt là các doanh nghiệp) không hợp tác, cố tình chống đối, cản trở việc thẩm định giá, bán đấu giá, kiểm tra hiện trạng tài sản, gây ra khiếu nại, tố cáo bức xúc.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực nhận định, vấn đề nổi cộm mà cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đang phải đối mặt đó là lượng án khó thi hành tăng đột biến. Do đó, lãnh đạo cục và các chi cục cần xây dựng kế hoạch, theo dõi, chỉ đạo sát từng vụ việc mới có thể hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Theo thống kê, án tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng, có giá trị phải thi hành rất lớn. Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã lập tổ kiểm tra nhằm đánh giá khách quan tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, sớm thu hồi nợ xấu.

Về góc độ thể chế, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Thông tin đáng lưu ý là Ban soạn thảo đề xuất, trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không hợp tác để thẩm định giá, bán đấu giá, kiểm tra hiện trạng, giao tài sản thì trong một số trường hợp chấp hành viên được quyền tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói, buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao bảo quản tài sản cho cá nhân, tổ chức khác.

Nếu quy định như vậy, đây sẽ là giải pháp mang ý nghĩa đột phá về xử lý tài sản, tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án của thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả thi hành án dân sự đạt thấp: Cần cơ chế “gỡ khó”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.