Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ

Triệu Hoa - Kim Nhuệ| 03/08/2019 21:44

(HNMO) - Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ 7 giờ đến 17h ngày 3-8, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa to, diễn ra nhiều giờ trên diện rộng. Đã có hàng chục tuyến phố trong nội đô và một số tuyến quốc lộ bị ngập nước; khoảng 50 cây xanh bị đổ, gãy và hơn 510ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị sâu nước.

Nước rút chậm trên nhiều tuyến phố

Chiều 3-8, lượng mưa đo được ở nội thành và ngoại thành đã vượt qua ngưỡng 100mm. Tại khu vực nội thành, các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Long Biên… đều xảy ra mưa lớn. Khu vực ngoài thành, lượng mưa lớn nhất đo được tại Phú Xuyên là 148,8mm, Thường Tín là 148,1mm, Thanh Trì 134,5mm. 

Chiều tối cùng ngày, nước đã rút trên nhiều tuyến phố trong nội thành. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thống kê, do mưa lớn nên các tuyến đường bị dềnh nước ảnh hưởng đến giao thông xảy ra tại phố Thụy Khuê (dốc La Pho), Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi (trước cổng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Nguyễn Huy Tưởng, Quan Nhân... 

Tại những thời điểm mưa to, hàng chục tuyến ngõ, phố ở Thủ đô ngập nước.

Mực nước sông Nhuệ dâng cao tại trạm bơm Cổ Nhuế và quận Hà Đông; nước sông Tô Lịch dâng cao tại cống Hoàng Quốc Việt, đập Thanh Liệt khiến nước bị dồn ứ, gây úng ngập trên các phố Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng, Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui dân sinh số 3,5,6, km9+656), đường Tố Hữu (từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn), Phùng Khoang, Triều Khúc… với mức độ ngập từ 0,20m đến 0,40m.

Khu vực quận Long Biên, cũng xuất hiện điểm úng ngập trên phố Ngọc Lâm, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh (ngã tư Cổ Linh–Đàm Quang Trung) với mức độ ngập từ 0,1-0,2m.

Để giải quyết úng ngập, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới đảm bảo sẵn sàng hoạt động tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm úng ngập phát sinh khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

Các trạm bơm cũng vận hành tối đa công suất: Trạm bơm Yên Sở vận hành 20/20 tổ bơm, Đồng Bông 1 vận hành 14/14, Đồng Bông 2 vận hành 3/3, Cổ Nhuế vận hành 4/4,... để tiêu thoát nước. Năm doanh nghiệp thủy lợi của thành phố vận hành 28 trạm, với 160 máy bơm các loại, tổng công suất 553.500 m3/giờ để tiêu thoát nước mưa trong kênh mương, đồng ruộng ra các sông.

Kịp thời thu dọn hiện trường gần 50 cây xanh gãy đổ

Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi của cơn bão số 3, trong ngày 3-8, các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo địa bàn đã được phân công. 

Các công nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã tích cực kiểm tra, chằng chống các cây xanh lâu năm trong các vườn hoa, công viên; kiểm tra, gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng.

Hàng loạt cây xanh bị bật gốc, gãy cành trên các tuyến phố nhưng không gây thiệt hại về người.

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung cho biết, Công ty đã huy động toàn bộ trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy. Trong thời gian mưa bão, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị mở máy điện thoại 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin, điều hành lực lượng triển khai khắc phục nhanh sự cố do mưa bão gây ra.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội đến thời điểm 17h ngày 3-8, trên địa bàn thành phố đã có gần 50 cây xanh bị gãy, đổ rải rác tại nhiều quận, huyện. Một số cây gãy đổ có đường kính lớn là: Xà cừ (50cm) ở số 4 Ngô Thì Nhậm, Móng bò (40cm) ở phố Huỳnh Tấn Phát, Lát hoa (30cm) ở số 108 Lê Trọng Tấn, Dâu da (27cm) tại số 28 Lương Định Của... Công tác khắc phục sự cố, giải tỏa cây gãy đổ đã được khẩn trương thực hiện, bảo đảm giao thông.

CSGT huy động 100% quân số ứng trực  

Trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng và kéo dài, trong ngày 3-8, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội Hà Nội đã chủ động tham gia đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão. 

Tại những điểm ngập nước hay có cây gẫy đổ, lực lượng CSGT được bố trí tăng cường, đồng thời bổ sung các phương tiện cẩu kéo, để sẵn sàng giúp đỡ người dân cũng như xử lý nhanh chóng những sự cố phát sinh như cây đổ, phương tiện của người dân hư hỏng, bị ngập nước…

Các chiến sĩ áo vàng là những "mốc sống" phân luồng trong mưa lớn, bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: ANTĐ

Trên các tuyến sông của Thủ đô, Đội CSGT đường thủy số 1 đến số 3 ứng trực 100% quân số, phương tiện để đảm bảo an toàn đường thủy. CSGT đường thủy nghiêm cấm tất cả những bến đò ngang không phép hoạt động; không để tình trạng bến đò hoạt động sai phép và cảnh báo cho người, phương tiện thủy được an toàn trong mưa bão.

Tập trung khắc phục hậu quả

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 18h30 ngày 3-8, hoàn lưu bão số 3 đã làm 1 người chết (tỉnh Bắc Kạn), 13 người mất tích (tỉnh Thanh Hóa) và 1 người bị thương (tỉnh Bắc Kạn). Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm sập đổ 4 ngôi nhà (Thanh Hóa 2, Sơn La 2), tốc mái, hư hỏng 32 ngôi nhà (Hòa Bình 16, Sơn La 14, Lạng Sơn 2), sạt lở nhiều đoạn đường, gây ách tắc giao thông.

Tại Hà Nội, từ 7 giờ đến 17h ngày 3-8, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa rất to. Mưa lớn trong thời gian ngắn đã khiến nhiều tuyến phố tại khu vực nội thành dềnh nước ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Khu vực ngoại thành, mưa lớn đã làm 510ha lúa, rau màu, cây ăn quả tại huyện Phúc Thọ, Hoài Đức chịu ảnh hưởng. 

Sạt lở bãi sông ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín

Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, tình hình cấp điện trên địa bàn Thủ đô nhìn chung ổn định. Một số sự cố nhỏ như gió lớn gây đổ cây, đè vào đường dây tại số 12B Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm) gây mất điện cho khoảng hơn 30 khách hàng trong khu vực trưa 3-8 đã được khắc phục và cấp điện lại vào lúc 16h cùng ngày.

Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 3, Sở Công Thương Hà Nội đã dự trữ hơn 5,2 triệu gói mì, cháo ăn liền, hơn 78.900 bình nước sạch, hơn 2,6 triệu chai nước, 750.000 nến thắp sáng, hơn 1,7 triệu hộp thực phẩm đóng hộp, hơn 1,7 triệu hộp sữa, 105.000kg gạo…, tổng trị giá là 94 tỷ đồng...

Mặc dù xảy ra lượng mưa lớn nhưng đến 19h ngày 3-8, mực nước trên các sông, hồ của thành phố Hà Nội vẫn ở mức thấp, dưới báo động I. Dự báo trong ngày 4-8, mực nước các sông, hồ của Hà Nội sẽ lên cao. 

 Để giảm thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngày 3-8, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và các bộ, ngành liên quan tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết, mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; đồng thời, cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau lũ; chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ công tác cứu trợ và sinh hoạt cho người dân… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.