Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Vận hành đúng “quỹ đạo”

Thu Trang| 09/08/2019 07:03

(HNM) - Trong khi cơ sở y tế công lập còn đang quá tải, việc phát triển y tế tư nhân là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành Y tế cần có những giải pháp quản lý hữu hiệu hơn nữa để y tế tư nhân vận hành đúng “quỹ đạo”, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tại một nhà thuốc trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng.  Ảnh: Trang Thu

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Nhìn nhận về vấn đề khá phức tạp hiện nay là sử dụng văn bằng chuyên môn, giấy xác nhận quá trình thực hành giả để được cấp chứng chỉ hành nghề; thuê bằng dược sĩ, thuê chứng chỉ hành nghề…, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu: Ở nhiều nước trên thế giới, chứng chỉ hành nghề y chỉ được cấp trong thời hạn 5 năm, còn nước ta hiện cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời.

Thêm vào đó, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay chủ yếu dựa trên việc xem xét về thủ tục hành chính nên chưa thể đánh giá thực chất, toàn diện người được cấp chứng chỉ hành nghề.

“Ban soạn thảo dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang cân nhắc tới thời hạn chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế, xóa bỏ chứng chỉ hành nghề vô thời hạn hiện nay”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Không chỉ siết chặt quản lý chứng chỉ hành nghề, mà qua một số sự cố tai biến y khoa xảy ra tại cơ sở không phép, cơ sở hành nghề quá phạm vi được cấp phép, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với những cơ sở này, chỉ có cấp xã, phường, thị trấn mới có thể nắm rõ. Khi đã nắm rõ địa bàn, cơ quan chức năng ở cấp xã, phường, thị trấn tham mưu cho cấp quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan để cùng phối hợp kiểm tra, xử lý.

Để hiệu quả quản lý cao hơn, chính quyền sở tại cần vào cuộc liên tục, mạnh mẽ và quyết liệt hơn; đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn, giao trách nhiệm quản lý cụ thể tới từng cá nhân và kiên quyết xử lý hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả xấu.

Trong khi đó, theo ông Cáp Sỹ Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, trong công tác quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế, phòng y tế các quận, huyện, thị xã và trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, phải xây dựng quy trình phối hợp cụ thể, trong đó cần làm rõ trách nhiệm từ cấp cơ sở đến cấp thành phố. Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần tổ chức lực lượng liên ngành, có sự tham gia của công an, quản lý thị trường, nếu chỉ trông đợi vào lực lượng y tế sẽ không kham nổi.

"Đối với quận Hai Bà Trưng, quận đã yêu cầu UBND các phường thường xuyên cập nhật danh sách cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, dịch vụ thẩm mỹ, qua đó kịp thời thông báo cho Phòng Y tế quận, Đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y, dược ngoài công lập của quận những cơ sở mới mở, bị đóng cửa hay hoạt động không phép để phối hợp quản lý, kiểm tra và xử lý" - ông Cáp Sỹ Phong thông tin.

Còn tại quận Hà Đông, giải pháp được bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận đưa ra là từ nay đến cuối năm, toàn quận tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; trong đó tập trung kiểm tra biển hiệu của cơ sở, việc niêm yết giấy phép hoạt động, chứng chỉ của người hành nghề, bảng giá dịch vụ y tế, giá thuốc, các hoạt động quảng cáo… Quản lý chặt hoạt động này ngay từ khi thẩm định cấp giấy phép, thanh - kiểm tra thường xuyên cũng là một biện pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những sai phạm.

Bà Phạm Thị Hòa cũng đề xuất, Sở Y tế hỗ trợ quận về mặt chuyên môn, đồng thời kịp thời thông báo những cơ sở được cấp phép để địa phương nắm được, từ đó có các biện pháp quản lý.

Công khai chất lượng cơ sở y, dược tư nhân

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thời gian qua, do việc tuyên truyền chưa tốt nên người dân không biết cơ sở nào đạt chất lượng để lựa chọn. Do đó, cần xây dựng một hệ thống quản lý điện tử các phòng khám tư nhân hiện nay nhằm thúc đẩy sự công khai, minh bạch về thông tin bác sĩ, phòng khám, cũng như các sự cố liên quan đến pháp luật. Từ đó, người dân có cơ sở lựa chọn bác sĩ, phòng khám uy tín…

Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của ngành danh sách cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, các nhà thuốc, quầy thuốc đã được cấp giấy phép hoạt động, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để hoạt động y, dược tư nhân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, ngoài sự quản lý của Sở Y tế, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân.

"Người dân sẽ cùng với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tham gia giám sát, quản lý hoạt động khám chữa bệnh tư nhân. Cụ thể là họ tự kiểm soát xem phí phải trả có đúng với giá niêm yết, có bị chỉ định làm xét nghiệm không cần thiết hay không; bao bì, nhãn mác thuốc có rõ ràng hay không; cơ sở hành nghề có đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép, người hành nghề có chứng chỉ hay không… và phản hồi với cơ quan quản lý khi phát hiện sai phạm", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện công luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ cơ sở y tế tư nhân đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng quy trình chuẩn trong khám chữa bệnh, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn…, từ đó đưa các phòng khám tư hoạt động đúng “quỹ đạo”, lấy lại niềm tin nơi người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Vận hành đúng “quỹ đạo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.