Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tùy tiện đặt tên đường, phố: Việc cần chấn chỉnh

Thanh Thủy| 11/08/2019 06:35

(HNM) - Đặt tên, đổi tên đường, phố là công việc quan trọng, phải theo quy trình chặt chẽ, khoa học, với sự tư vấn của hội đồng các chuyên gia, nhà quản lý nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên thời gian qua, việc tự ý đặt tên đường, phố vẫn xuất hiện ở không ít nơi trên địa bàn Hà Nội, đặt ra yêu cầu phải làm tốt hơn công tác quản lý và kịp thời chấn chỉnh hiện tượng này.

Việc tự ý đặt tên đường, phố vẫn xuất hiện ở không ít nơi trên địa bàn Hà Nội, đặt ra yêu cầu cho các cấp, ngành chức năng phải làm tốt hơn công tác quản lý. Trong ảnh: Tuyến đường dẫn vào Khu đô thị Hyundai Hillstate phường Hà Cầu (quận Hà Đông) được người dân tự ý đặt tên. Ảnh: Hữu Tiệp

Những cái tên từ “trên trời rơi xuống”

UBND quận Bắc Từ Liêm vừa khẩn trương rà soát, tháo dỡ hệ thống biển tên tự phát “Ngô Minh Dương” trên một tuyến đường mới mở thuộc phường Xuân Tảo (đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng ra đường Võ Chí Công, chạy qua Khu đô thị mới Tây Hồ Tây). Trước đó, năm 2015, một tuyến phố thuộc quận Nam Từ Liêm cũng "bỗng dưng" được đặt là “đường Ướp Lạnh”. Đây là hai sự việc điển hình trong những trường hợp tự ý đặt tên đường phố thời gian qua. Điểm chung của các hiện tượng này là sự xuất hiện những cái tên chưa từng có trong các quyết định đặt tên đường, phố, cũng như trong ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng của thành phố Hà Nội.

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: Thành phố đã có Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài đường, phố và công trình công cộng; có ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng, cùng quy trình xét chọn tên đường, phố chặt chẽ, khoa học nhằm bảo đảm mỗi cái tên được chọn lựa, dù là địa danh, sự kiện lịch sử hay danh nhân đều phải phù hợp, ý nghĩa và xứng đáng. Song thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, phần lớn là vì tuyến đường, phố chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa đủ các tiêu chí, nên chưa được thực hiện việc đặt tên. Trong khi đó cũng chưa có quy định xử phạt việc tự ý đặt tên cho đường, phố.

"Hiện tượng tự ý đặt tên đường, phố của các tổ chức, cá nhân không những không đúng thẩm quyền mà còn ảnh hưởng tới trật tự giao thông, gây xáo trộn công tác quản lý đô thị", bà Phạm Thị Lan Anh nêu.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, ở những tuyến đường, phố mới, người dân cũng có nhu cầu có tên gọi, địa chỉ để giao dịch nên đã tự phát sử dụng tên dự án, tên một công trình hay chính tên địa danh cũ để đặt cho đường, phố. Như tại quận Nam Từ Liêm, một con đường thuộc phường Mỹ Đình 1 được gắn biển tên “ngõ Sim Co” do nằm cạnh tòa nhà của Công ty cổ phần Thép và Vật tư công nghiệp - SIMCO.

Tại quận Hà Đông, tuyến đường dẫn vào Khu đô thị Hyundai Hillstate (phường Hà Cầu), xuất hiện nhiều bảng hiệu quảng cáo cửa hàng với địa chỉ là “đường Hyundai”, dù tuyến đường trên chưa có tên gọi chính thức. Một tuyến đường khác giáp các tòa nhà V1, V2, V3 chung cư Victoria, Khu đô thị Văn Phú (phường Phú La), tồn tại tình trạng mỗi hộ gắn tên một kiểu, như: Đường Tiếp giáp CT9 - TDP2 Văn Phú; V1 Văn Phú Victoria; 19 lô 7, LK11 - Khu Văn Phú - Phú La; số 47B Dịch vụ 2 Victoria…

Ông Nguyễn Văn Lê (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) cho hay: “Dù ở không xa Khu đô thị Văn Phú song việc tìm địa chỉ tại khu vực này rất vất vả do tên đường đặt tự phát, không thống nhất. Có khu vực có tới 2, 3 hộ cùng gắn một số nhà, đi kèm với các tên đường khác nhau”.

Tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh

Tuyến đường giáp các tòa nhà V1, V2, V3 chung cư Victoria, Khu đô thị Văn Phú (phường Phú La, quận Hà Đông) tồn tại tình trạng mỗi hộ gắn tên đường một kiểu. Ảnh: Khuê Diệp

Trước tình trạng trên, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát toàn bộ tên, biển đường, phố trên địa bàn; tháo dỡ biển tên tự phát. Cùng với đó là lên danh mục đầy đủ, chi tiết những tuyến đường, phố, công trình công cộng đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có dân cư sinh sống ổn định để đề xuất UBND thành phố đặt tên.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh: Để việc đặt tên đường, phố bảo đảm đúng quy định, các địa phương cần hoàn thành việc rà soát trước ngày 25-8-2019 để Sở tổng hợp, báo cáo Hội đồng Tư vấn. Trong thời gian này, các địa phương cần có giải pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ, không để phát sinh tình trạng tự ý đặt tên, gắn biển như vừa qua. 

Là địa phương xuất hiện tên đường, phố tự phát, quận Hà Đông đang tích cực rà soát các biển hiệu, bảng quảng cáo của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn theo yêu cầu của Sở Văn hóa và Thể thao. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, quận đã yêu cầu các phường có hiện tượng nêu trên thông báo với người dân phương án tháo dỡ, điều chỉnh trước ngày 15-8-2019; đồng thời họp bàn với nhân dân, thống nhất tiêu chí để làm thủ tục đề xuất đặt tên đường, phố với các cấp có thẩm quyền. 

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Phan Thị Thanh Huyền cho biết: “Ngay sau khi biển tên đường tự phát “Ngô Minh Dương” được tháo dỡ, Phòng Văn hóa - Thông tin quận đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn và UBND các phường, kiểm tra, rà soát, tham mưu với UBND quận phương án quản lý chặt chẽ các tuyến đường, phố trên địa bàn. Về trường hợp vi phạm tại phường Xuân Tảo, chính quyền địa phương đã làm việc với chủ đầu tư khu đô thị để xác minh, làm rõ trách nhiệm”.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), việc tùy tiện đặt tên đường, phố, dù trái quy định song cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Chính vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần có phương án tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân hiểu về quy định, tầm quan trọng của việc này, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý tên đường, phố.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long kiến nghị: Thành phố nên tăng thêm các đợt xét đặt tên đường, phố cho phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Các địa phương đề nghị đặt tên đường cũng cần nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chuẩn theo quy định, cũng như có tham mưu trước về tên đường, thông qua các đợt trao đổi, bàn bạc, thống nhất từ cơ sở, bảo đảm yêu cầu định vị địa chỉ, tiện đi lại, giao dịch cũng như giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử ở địa phương.

Theo quy định, quy trình đặt tên đường, phố gồm 12 bước. Sau khi tổng hợp danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên; khảo sát, đánh giá hiện trạng; họp bàn thống nhất; báo cáo UBND thành phố, công bố dự kiến đặt tên trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội để người dân góp ý..., Hội đồng tư vấn sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND thành phố thông qua và ban hành nghị quyết, cuối cùng UBND thành phố ban hành quyết định đặt tên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tùy tiện đặt tên đường, phố: Việc cần chấn chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.