Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện chủ trương xây dựng một số huyện thành quận: Hạ tầng đi trước

Dương - Huyền| 05/09/2019 06:35

LTS: Theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng đang phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành quận. Lộ trình đã rõ, những nỗ lực không ngừng đã mang lại kết quả đáng khích lệ, hệ thống giao thông đã từng bước hình thành cùng những không gian đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về nguồn vốn, quy hoạch... cần sớm được tháo gỡ, giải quyết để thúc đẩy phát triển hạ tầng đi trước.

Cơ sở hạ tầng giao thông được xác định là bộ khung quan trọng, giữ vai trò then chốt, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong ảnh: Tuyến đường Trường Sa qua huyện Đông Anh.

Bài đầu: Rõ nét những hình hài đô thị

Cơ sở hạ tầng giao thông luôn được xác định là bộ khung quan trọng, giữ vai trò then chốt, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những năm qua, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng đang nỗ lực tạo dựng hệ thống hạ tầng giao thông và cũng từ đó, hình hài đô thị đang hình thành ngày càng rõ nét.

Bám lộ trình phát triển

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Đưa một số huyện phát triển thành quận là xu thế của đô thị hóa. Tuy nhiên cần tính toán đến hạ tầng cơ sở vì đây là nhóm tiêu chí rất quan trọng, muốn trở thành quận, nhiều tiêu chí cơ sở hạ tầng phải đạt, đặc biệt là về giao thông.

Với xu thế phát triển chung, các huyện ven đô: Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng đều xác định: Cơ sở hạ tầng giao thông là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển thành quận. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện đã đi trước một bước về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Ví như tiêu chí về tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính quy định tỷ lệ là 60% thì Đông Anh đã đạt 78,1%...

Để trở thành quận, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết: Hoài Đức cần đầu tư thêm khoảng 60km đường giao thông và chỉnh trang các tuyến trục chính đạt tiêu chí giao thông đô thị (có vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng đồng bộ). Hiện tại, huyện đang tập trung triển khai các tuyến đường Vành đai 3,5 và tuyến đường đê tả Đáy xuyên qua địa bàn kết nối các khu dân cư, khu đô thị,… Còn các khu đô thị như: Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Vân Canh, Geleximco đã khớp nối đồng bộ hạ tầng tiêu thoát nước và giao thông…

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm Dương Viết Cường thông tin: Gia Lâm đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều tuyến giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 1B, quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; quốc lộ 5; đường thủy sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên... Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư 41 tuyến đường trục chính, tổng chiều dài khoảng 88,8km, nâng tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn huyện lên 1.007,7km, đạt mật độ 8,84km đường giao thông đô thị/ki lô mét vuông. Về cơ bản, mạng giao thông kết nối đồng bộ  giữa các khu vực của huyện và các quận, huyện lân cận cũng như các khu đô thị mới, khu dân cư.

“Để bảo đảm tiêu chuẩn đường đô thị, Gia Lâm cũng đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng với tổng chiều dài 411,8km và có 11 tuyến phố văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 50% tổng số trục phố chính”, ông Dương Viết Cường nói.

Những nảy sinh từ thực tế

Hạ tầng giao thông là tiêu chí quan trọng khi các huyện trở thành quận. Ảnh: Thái hiền

Cơ sở hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn với lộ trình rõ ràng. Và đây thật sự là bài toán khó đối với nhiều địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, hiện huyện có 542,45km đường đô thị/78,04km2 diện tích tự nhiên (tương đương mật độ đường giao thông đô thị đạt 6,95km/km2). Như vậy, so với tiêu chí của quận là 10km đường/ki lô mét vuông, huyện còn thiếu 237,95km đường. Một số tuyến đường trục thôn ở các xã, thị trấn chưa đạt tiêu chuẩn về mặt cắt (từ 4 đến 5m). Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng chia sẻ, theo tiêu chí về mật độ giao thông đô thị, Thanh Trì cũng mới đạt 9,13km/km2...

Trong khi tiêu chí về mật độ giao thông ở nhiều địa phương còn thiếu thì nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang là bài toán nan giải. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết, huyện đã rà soát quy hoạch để triển khai 43 dự án xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó có tới 23 dự án thuộc thẩm quyền thành phố quản lý và phê duyệt với kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.

Tương tự, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cũng nhấn mạnh, để đủ điều kiện lên quận, huyện cần triển khai một số dự án giao thông, sân chơi, vườn hoa,… với tổng kinh phí dự kiến 15.682 tỷ đồng. Không riêng Hoài Đức, Thanh Trì, hầu hết các huyện đều rất cần sự hỗ trợ về kinh phí của thành phố khi thực hiện các dự án đường giao thông khung, trục chính…

Một vấn đề nữa nảy sinh từ thực tiễn hiện nay, như đề cập của Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân, là đối với dự án huyện làm chủ đầu tư thì có thể chủ động kiểm soát thời gian, cân đối nguồn vốn, nhưng với các dự án của Trung ương, thành phố triển khai, sẽ phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư.

“Trên địa bàn huyện Hoài Đức đang xây dựng 2 tuyến đường liên khu vực kết nối quốc lộ 32 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức hợp đồng BT. Đây là dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và giải quyết vấn đề giao thông tổng thể của huyện, nhưng tiến độ không như mong muốn. Do đó, huyện kiến nghị thành phố chỉ đạo các ngành liên quan thúc đẩy việc thực hiện dự án này”, ông Phùng Bá Nhân nêu thực trạng.

Nỗ lực của các huyện là rất đáng ghi nhận, vấn đề lúc này là chỉ rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp để hoàn thành được mục tiêu trở thành quận như thành phố đã đề ra.

- Cuối năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.

- Tại Thông báo số 1973-TB/TU, ngày 31-5-2019, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về dự thảo Đề án đầu tư, xây dựng các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng thành quận, theo đó, 4 huyện này được điều chỉnh giãn tiến độ đến năm 2025 để hoàn thành các tiêu chí bảo đảm khả thi, bền vững.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chủ trương xây dựng một số huyện thành quận: Hạ tầng đi trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.