Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách giàu tính nhân văn

Hằng Nga| 05/09/2019 07:47

(HNM) - Liên sở Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Hướng dẫn số 7028/HDLS:GTVT-LĐTB&XH về việc phát hành, quản lý, sử dụng thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối tượng trong diện này gồm: Người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo… Các ý kiến Báo Hànộimới ghi nhận đều thể hiện sự phấn khởi và cho rằng đây là việc làm thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Việc mở rộng đối tượng được sử dụng hệ thống vận tải công cộng miễn phí sẽ góp phần giảm tải phương tiện giao thông cá nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội:
Bảo đảm tối đa quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng

Hướng dẫn số 7028/HDLS: GTVT-LĐTB&XH được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND thành phố Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố... So với quy định cũ, quy định mới mở rộng đối tượng hơn.

Cụ thể, ngoài người có công, người khuyết tật, thì người cao tuổi (60 tuổi trở lên) - trước đây chỉ được giảm 50%, nhân khẩu thuộc hộ nghèo - trước đây không thuộc đối tượng miễn phí… nay được miễn phí khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, gồm hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt (buýt nhanh BRT và buýt thường).

Ngay sau khi Hướng dẫn số 7028/HDLS: GTVT-LĐTB&XH được ban hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã triển khai ngay việc phát hành thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho các đối tượng được hưởng với phương châm nhanh gọn, đơn giản.

Cụ thể, người cao tuổi (trên 60 tuổi) chỉ cần bản chụp giấy tờ tùy thân có ảnh; người có công là bản chụp Giấy chứng nhận người có công; người khuyết tật là bản chụp Giấy xác nhận mức độ khuyết tật; đối với nhân khẩu thuộc hộ nghèo là Giấy chứng nhận hộ nghèo cùng giấy tờ tùy thân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phấn, 63 tuổi, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình:
Một chính sách nhân văn

Tôi có hộ khẩu tại tỉnh Hòa Bình nhưng 2 năm gần đây xuống ở với con trai tại quận Hà Đông. Hằng ngày, tôi thường xuyên sử dụng xe buýt đi đón cháu, đi chơi, tham quan một số di tích trên địa bàn Hà Nội. Được biết, mới đây Hà Nội có chính sách mới về việc phát hành, quản lý, sử dụng thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố.

Trong đó, ngoài việc mở rộng đối tượng sử dụng xe buýt miễn phí (nhân khẩu hộ nghèo, người cao tuổi), Hà Nội còn có chính sách ưu tiên cho cả những người ngoại tỉnh thuộc các đối tượng được miễn phí, thường xuyên đi lại trên địa bàn Hà Nội.

Theo tôi, đây là một chính sách rất nhân văn, vừa tạo điều kiện để người dân hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tiết kiệm chi phí đi lại, vừa góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Ông Phan Văn Toàn, 69 tuổi, phường Mai Động, quận Hoàng Mai:
Thủ tục cấp thẻ đơn giản, nhanh gọn

Tôi thấy mấy năm gần đây, hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội ngày càng được quan tâm; chất lượng phương tiện và dịch vụ được nâng lên rõ rệt; đặc biệt mạng lưới xe buýt được mở rộng ra khu vực ngoại thành. Được biết, mới đây, thành phố có chính sách phát hành thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng…, trong đó có việc mở rộng đối tượng thụ hưởng, tôi mừng lắm. Đáng mừng hơn là thời gian cấp thẻ rút ngắn còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ; thủ tục cấp thẻ rất đơn giản, chỉ cần 1 ảnh chân dung 2x3cm và giấy tờ kèm theo để kiểm tra, đối chiếu.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, Hà Nội hiện có khoảng 700.000 người cao tuổi và 64.000 nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Hy vọng với chính sách mới này, từ nay càng có nhiều thêm người có công, người cao tuổi Hà Nội, nhân khẩu thuộc hộ nghèo ưu tiên lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng để đi lại, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Tơ, 60 tuổi, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ:
Giảm chi phí đi lại chongười cao tuổi

Gần 6 năm làm công nhân vệ sinh tại một khu chung cư ở Hà Nội, ngày nào tôi cũng sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Ở tuổi tôi, nếu không có phương tiện giao thông công cộng, chắc chắn tôi không thể vượt quãng đường hơn 20km/ lượt để đi làm hằng ngày.

Vì vậy, xe buýt thực sự là phương tiện giao thông tiện lợi và giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của tôi. Việc một số đối tượng, trong đó có những người từ 60 tuổi trở lên được miễn phí sử dụng phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn, tôi rất mừng. Vậy là từ nay mỗi tháng tôi sẽ tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ để sử dụng vào việc khác.

Theo tôi, chính sách miễn phí sử dụng xe buýt cho người cao tuổi là chủ trương rất đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Bởi hầu hết người cao tuổi không còn đủ sức khỏe để tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc sử dụng xe buýt để đi lại vừa an toàn, thuận tiện, vừa giảm chi phí và giúp người cao tuổi chủ động hơn trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách giàu tính nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.