Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em: Trách nhiệm của mọi người, mọi nhà

Minh Ngọc| 08/09/2019 07:59

(HNM) - Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trong tình hình mới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát huy trách nhiệm của mọi người, mọi nhà trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, qua đó tạo dựng môi trường tốt nhất cho các em phát triển.

Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em phát triển.

Môi trường tốt để trẻ em phát triển

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trước khi Quyết định số 06/QĐ-TTg được ban hành, thực hiện Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg (ngày 30-5-2014), các cấp, ngành chức năng thành phố đã đầu tư nhiều nguồn lực vật chất và con người để xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Theo đó, toàn thành phố đã có 545 xã, phường, thị trấn, bằng 93,3% tổng số xã, phường, thị trấn của thành phố đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo tiêu chí cũ (áp dụng từ năm 2018 trở về trước, gồm 15 tiêu chí ban hành theo Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg).

Cụ thể, đến nay hơn 99% trẻ em dưới 6 tuổi ở Hà Nội được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; hơn 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau... Đặc biệt, đa số các xã, phường, thị trấn đã bố trí cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em… "Nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, hầu hết trẻ em trên địa bàn Thủ đô đã có điều kiện, cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện ngay tại nơi sinh sống", ông Khuất Văn Thành nhấn mạnh.

Ở góc độ người được thụ hưởng trực tiếp, chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) chia sẻ: "Nhờ có chính sách xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em triển khai ở địa phương mà các con tôi được đến trường, được vui chơi như các bạn bè. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, chồng bị tai nạn, phải nằm một chỗ nên việc trợ giúp này rất có ý nghĩa, nhất là với các cháu".  

Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để tạo dựng môi trường phù hợp với trẻ em, song có chỗ, có nơi trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội vẫn xảy ra 365 vụ xâm hại trẻ em; số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích từ đầu năm 2019 đến nay là hơn 20 trẻ…

Những vụ việc mới đây nhất có thể kể đến như vụ hai cháu gái trong một gia đình ở xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) bị xâm hại tình dục trong thời gian dài mới được phát hiện vào đầu tháng 8 vừa qua. Trường hợp khác là cháu V.B.N (sinh năm 2013) không may bị tử vong do rơi từ ban công tầng 14 của một tòa chung cư trên địa bàn phường Phúc La (quận Hà Đông) xuống mái tôn căn nhà thấp tầng vào tháng 6-2019…

Phấn đấu có 85% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Để tiếp tục nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND yêu cầu các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả 13 tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2019, có ít nhất 85% số xã, phường, thị trấn của Hà Nội đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo tiêu chí mới.

Hiện các địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo tiêu chí mới bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp. Theo ông Lương Tuấn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình, cán bộ các phường trên địa bàn quận đang đến từng ngõ, vào từng nhà vận động các gia đình quan tâm bảo vệ trẻ em từ những việc làm nhỏ nhất.

Tương tự, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi, bảo đảm 100% trẻ em được đi học. Ngoài ra, nhiều trường còn xây dựng sân chơi an toàn, tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh. Ông Nguyễn Khánh Chung, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ban Mai (quận Hà Đông) cho hay: Hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nhà trường vừa phối hợp với Tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam thành lập Trung tâm tham vấn học đường. Tham gia chương trình tham vấn học đường, cháu Lê Hà My, lớp 6S, Trường THCS - THPT Ban Mai bộc bạch: “Chúng cháu đã hiểu, khi gặp bất cứ điều gì cảm thấy lo lắng, sợ hãi, phải nói với người lớn để nhận được lời khuyên bổ ích, sự trợ giúp kịp thời”.

Trao đổi về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, Sở đang triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, cam kết hành động của các cơ quan quản lý, gia đình, cộng đồng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Theo ông Hoàng Thành Thái, các cấp, ngành chức năng và mỗi người dân cần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình để góp phần tạo dựng môi trường an toàn, thân thiện nhất cho trẻ em phát triển.

Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ, các xã, phường, thị trấn được đánh giá là phù hợp với trẻ em khi cơ bản đáp ứng 13 tiêu chí. Trong đó có các tiêu chí như: Các xã, phường, thị trấn bố trí nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; đẩy lùi những nguy cơ khiến trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, vi phạm pháp luật, sử dụng ma túy; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải được quan tâm, trợ giúp thường xuyên...

Ngoài ra là bảo đảm cho trẻ em được khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng đầy đủ, đến trường, lớp mầm non đúng độ tuổi, được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em: Trách nhiệm của mọi người, mọi nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.