Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa bất ổn an ninh từ cơ sở

Thành Tâm| 19/09/2019 07:28

(HNM) - Thời gian qua, có nhiều vụ việc gây bất ổn về an ninh trật tự đã xảy ra, đặc biệt là những mâu thuẫn về đất đai. Điều đó cho thấy hệ thống chính trị khá đông đảo ở cơ sở chưa thực hiện hiệu quả việc nắm bắt tình hình dân cư, ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Điển hình như án mạng đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người thương vong xảy ra ngày 1-9-2019 tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), có nguyên nhân ban đầu từ tranh chấp đất đai kéo dài, chưa được giải quyết. Ngoài ra, còn nhiều vụ việc gây dư luận xấu liên quan đến bạo lực gia đình, học đường, các vụ xâm hại trẻ em... Trong đó, đáng tiếc là có những vụ việc kéo dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Thực tế, tại các địa bàn dân cư có hệ thống cán bộ đến cấp tổ dân phố, cấp thôn, làng và cũng không thiếu các đoàn thể chính trị xã hội, nhưng không phải cán bộ cơ sở nào cũng phát huy hết vai trò. Ông Đỗ Thanh Tùng ở xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) cho rằng, còn nhiều cán bộ cơ sở ngại va chạm, sợ bị phản ứng, nhất là khi đề cập đến mâu thuẫn nội bộ gia đình của người trong địa phương, bởi phần lớn có quan hệ họ hàng, quen biết... Đáng lưu ý, những mâu thuẫn về đất đai ở khu vực nông thôn ít được xử lý theo pháp luật dân sự, bởi khâu tuyên truyền pháp luật hạn chế và tập quán của người dân chưa quen… Đây là những “lỗ hổng” cần sớm được khắc phục.

Thời gian qua, các cấp chính quyền, nhất là cấp thành phố đã có nhiều giải pháp để ổn định tình hình cơ sở. Trong số 200 vụ việc, “điểm nóng” được thành phố đưa vào danh sách theo dõi, tính đến tháng 3-2019, chỉ còn 89 vụ việc, “điểm nóng” tiếp tục được củng cố. Trong số các sự việc chưa giải quyết dứt điểm này, có nhiều vụ liên quan đến những tranh chấp, mâu thuẫn đất đai kéo dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở.

Đánh giá về tình hình, Đại úy Trịnh Hoài Nam, giảng viên chính Khoa Cảnh sát hình sự (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) cho rằng đối với địa bàn Hà Nội, một trong những cách làm đã được triển khai, cần nhân rộng hơn nữa là việc tuyên truyền các giá trị đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử để đẩy lùi những hành vi có thể gây mâu thuẫn.

Vì thế, sau vụ án mạng ở xã Hồng Hà nói trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cơ quan Công an phối hợp với UBND huyện Đan Phượng kiểm tra, rà soát lại hoạt động quản lý địa bàn của chính quyền xã, thôn, tổ hòa giải, Công an xã trong việc nắm tình hình, phòng ngừa và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân liên quan đến tranh chấp đất đai. Bởi hệ thống chính trị cấp cơ sở đã “tê liệt”, không nắm bắt được hết mức độ mâu thuẫn, giải quyết chưa triệt để, dẫn đến án mạng không được phòng ngừa.

Về lâu dài, lực lượng công an cần phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác dân vận, tăng cường theo dõi, dự báo, nắm chắc tình hình nhân dân để kịp thời giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai ngay tại cơ sở. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cần sâu sát đời sống dân sinh, nắm bắt sớm tình hình có thể gây mất an ninh trật tự để tham mưu cách giải quyết...

Có như vậy, những mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ nhân dân mới từng bước được hóa giải, không phát sinh các vụ án thương tâm hay “điểm nóng” kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa bất ổn an ninh từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.