Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm tại Sóc Sơn: Không kiên quyết, khó giải quyết dứt điểm

Hoàng Hà| 21/09/2019 07:24

(HNM) - Thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là những cơ sở tái chế phế liệu, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên quá trình xử lý vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ nếu không có các biện pháp kiên quyết sẽ khó giải quyết triệt để được vấn đề này.

Nhiều cơ sở gây ô nhiễm kéo dài

Xã Tiên Dược là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt nhựa, gioăng kính, giặt bao tải vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; không có thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường…

Qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, nhiều hộ dân ở các xóm Cây Xanh, xóm Trại, thôn Dược Hạ phải đóng kín cửa nhà để hạn chế ngửi phải mùi khét lẹt từ các cơ sở sản xuất hạt nhựa thải ra. Đặc biệt, hệ thống kênh thoát nước xung quanh các cơ sở sản xuất hạt nhựa ở thôn Dược Hạ luôn bốc mùi hôi rất khó chịu. Còn tại một số cơ sở giặt bao tải, tình trạng ô nhiễm cũng không kém do lượng bụi lớn phát tán trong quá trình bốc dỡ vỏ bao tải chứa xi măng.

Một cơ sở giặt bao tải vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại xã Tiên Dược. Ảnh: Đỗ Hà

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân T. ở xóm Cây Xanh, thôn Dược Hạ bức xúc: “Hơn 10 năm nay, gia đình tôi và bà con trong xóm sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm. Mỗi khi các cơ sở này hoạt động, mùi khét lẹt bao trùm cả xóm khiến không khí ngột ngạt. Nước thải chưa xử lý cũng bị thải trực tiếp ra kênh tiêu của xóm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của nhân dân”.

Ông Nguyễn Bá Sâm, Trưởng thôn Dược Hạ khẳng định: "Phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm là đúng. Toàn thôn hiện có 28 cơ sở giặt bao tải, sản xuất hạt nhựa và gioăng kính... đều chưa bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết dứt điểm các cơ sở sản xuất hạt nhựa trong thôn gây ô nhiễm, nhưng đến nay các cơ sở vẫn hoạt động".

Tương tự, tại xã Đức Hòa, một số cơ sở giặt bao tải, sản xuất hạt nhựa cũng chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Hiện, hầu hết các cơ sở giặt bao tải, sản xuất hạt nhựa tại đây chưa có hệ thống xử lý nước, khí, bụi thải, tiếng ồn nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Ngoài hai xã Tiên Dược và Đức Hòa, một số cơ sở sản xuất ống giấy, màng nhựa, phôi nhôm, sơn, ép gỗ, thậm chí cả cảng than tại các xã: Mai Đình, Minh Trí, Thanh Xuân, Trung Giã, Minh Phú… cũng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Ngô Đăng Giang, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết: Nguyên nhân khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường là do công tác kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa quyết liệt. Ngoài ra, nhiều cơ sở cố tình tái phạm dù đã bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thậm chí cưỡng chế...

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Thời gian qua, mặc dù UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, thị trấn tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuy nhiên, quá trình xử lý gặp không ít khó khăn.

Bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, khó nhất hiện nay là một số cơ sở sản xuất trong khu dân cư có phát sinh nguồn thải gây ô nhiễm, nhưng do địa phương không có quỹ đất để di dời nên chưa thể giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không có quy định đình chỉ hoạt động sản xuất đối với cơ sở phát tán hóa chất, dung môi hữu cơ trong khu sản xuất hoặc khu dân cư gây mùi đặc trưng có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 10%, trong khi tại xã Tiên Dược, các mẫu khí thải đều dưới 10% nên không thể đình chỉ hoạt động hoặc di dời các cơ sở này.

Theo ông Trịnh Xuân Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược, năm 2016 trở về trước, toàn xã tồn tại 82 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều hộ đã tự ý xây dựng lều lán tạm trên đất nông nghiệp làm nơi sản xuất.

Để xử lý vi phạm, UBND xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm; tăng cường kiểm tra, thiết lập hồ sơ, kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chây ỳ. Theo đó đến nay, toàn xã đã xử lý được 53/82 cơ sở sản xuất vi phạm.

Về các giải pháp khắc phục ô nhiễm, bà Lê Thị Hải cho biết, hằng năm, huyện đều thành lập các đoàn liên ngành, kiểm tra, lấy mẫu nước thải, khí thải, tiếng ồn và đo kiểm tra môi trường xung quanh cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ xử lý vi phạm, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý đất đai, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp tự ý dựng lán, xưởng trên đất nông nghiệp để sản xuất khi chưa có biện pháp bảo vệ môi trường.

Đối với các trường hợp vi phạm tại xã Tiên Dược, UBND huyện đề nghị UBND thành phố cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc di dời đối với các cơ sở này ra khỏi khu dân cư...

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành huyện Sóc Sơn trong công tác bảo vệ môi trường, hy vọng số cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về môi trường sẽ tiếp tục được xử lý nghiêm, kiên quyết hơn nữa, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm tại Sóc Sơn: Không kiên quyết, khó giải quyết dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.