Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để bảo đảm an toàn cho tài xế xe ôm?

Bài, ảnh: Nga – Dung| 05/10/2019 07:52

(HNM) - Vụ việc nam sinh viên chạy xe ôm công nghệ bị sát hại trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm tối 29-9-2019 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý và trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Câu hỏi được đặt ra là: Phải làm gì để bảo đảm an toàn cho các tài xế xe ôm nói chung và xe ôm công nghệ nói riêng?

Các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm và có biện pháp quản lý để bảo đảm an toàn cho người hành nghề xe ôm.

Tài xế xe ôm bị "bỏ rơi"

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm nghìn phương tiện vận chuyển bằng xe gắn máy (xe ôm), trong đó có xe ôm công nghệ như: Grab, Be, Go - Viet, Vato... Sự phát triển nóng của đội ngũ này khiến xe ôm truyền thống buộc phải đóng hai vai tài xế công nghệ và tài xế “vẫy” khách dọc đường; một số thì "mạo muội" mua đồng phục giả của các hãng xe ôm công nghệ để che mắt khách hàng. Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề nhức nhối: Tình trạng tụ tập quá đông lái xe tại các điểm đón trả khách gây nên cảnh lộn xộn, ùn tắc, mất trật tự an ninh xã hội và an toàn giao thông; nạn chèo kéo, bắt chẹt khách… kèm theo đó là số vụ xe ôm bị cướp của, giết người cũng gia tăng. Vụ lái xe ôm công nghệ bị sát hại ngày 29-9 vừa qua chỉ là một trong số nhiều vụ là nạn nhân của đối tượng xấu.

Tình trạng chạy đua để giành giật thị trường đang là "cuộc chiến" gay gắt giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ về giá cước với khách hàng và mức chiết khấu đối với tài xế. Hiện Grab và Be đang giữ mức chiết khấu kỷ lục tới 25%, Go - Viet và Vato có mức 20%. Anh Nguyễn Trung Hưng, một tài xế Grab Bike cho biết: “Mức thu quá cao từ các doanh nghiệp khiến chúng tôi phải dùng nhiều chiêu “lách luật” nhằm tăng thu nhập, như tắt ứng dụng và bắt khách ngoài, hạ giá cước vận chuyển thấp hơn so với giá công ty, đề nghị khách hủy chuyến nhưng vẫn chở khách bằng đúng giá cước trên ứng dụng”.

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Bình Ngọc - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, các hãng xe hầu như chưa hợp tác với chính quyền địa phương nên khi xảy ra vụ việc cơ quan điều tra rất vất vả. Đáng nói, phần lớn các vụ cướp giật đều bắt nguồn từ những cuốc đi “chui”, tài xế bắt khách dọc đường, không thông qua ứng dụng. Nếu xe ôm truyền thống thường hoạt động co cụm theo nhóm, phạm vi hoạt động hẹp, thì các xe ôm công nghệ lại hoạt động độc lập trên phạm vi rộng, gây khó khăn cho việc quản lý. 

Về phía Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe gắn máy. Vừa qua, Sở có tờ trình gửi UBND thành phố về quy định quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh… vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, người hành nghề vận tải nêu trên phải đeo thẻ do UBND phường, xã cấp. Song đến nay, quy định này vẫn chưa được thông qua. 

Lái xe ôm cần sớm được công nhận là một nghề

Từ vụ việc tài xế công nghệ bị sát hại vừa qua, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là phải làm gì để bảo đảm an toàn cho các tài xế xe ôm?

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group cho biết, tháng 9 vừa qua, Be phối hợp cùng Đội PC02, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh ký kết bản ghi nhớ trong hợp tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, Be sẽ thường xuyên tiếp nhận thông tin liên quan đến tình hình tội phạm từ phía công an cũng như phối hợp tổ chức những buổi chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm phòng ngừa tội phạm cho tài xế nhằm tạo nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh. Thời gian tới, Be sẽ triển khai thực hiện tại Hà Nội.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề điều tra, Thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm trăn trở: Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý và các hãng xe đưa ra biện pháp bảo vệ, các tài xế xe ôm phải nâng cao ý thức cảnh giác để tự bảo vệ chính mình. Khi thấy khách hàng có dấu hiệu khả nghi, lái xe cần từ chối phục vụ và báo ngay cho lực lượng công an nơi gần nhất. Trường hợp khách cố tình dẫn dụ vào nơi vắng, cần có biện pháp phòng vệ. 

Còn theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ngoài việc bắt buộc tuân thủ quy định hiện hành, các tài xế xe ôm cần được trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý lộ trình; khả năng phân tích và xử lý tình huống, phòng vệ… Các kỹ năng cần được cơ quan chức năng chuẩn hóa và từ đó phát triển chương trình đào tạo cho đội ngũ này, tiến tới việc quy định lái xe công nghệ phải được cấp phép mới được hành nghề.

Với tiêu chí đơn giản, chỉ cần có xe máy, bằng lái xe và điện thoại thông minh để đăng ký tạo tài khoản, không phải thi tuyển hay đào tạo kỹ năng, các tài xế lái xe ngày càng “phủ sóng” dày đặc. Tuy nhiên, nhóm tài xế này hiện vẫn là lao động phi chính thức. Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ có những điều chỉnh quan trọng trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để khắc phục tình hình trên. Nghề lái xe ôm sẽ sớm được công nhận là một nghề quy định trong luật, để các cơ quan chức năng có căn cứ quản lý về con người, ngành nghề kinh doanh, cũng như bảo vệ các quyền lợi chính đáng khác, bảo đảm an toàn cho họ khi hành nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để bảo đảm an toàn cho tài xế xe ôm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.