Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động tối đa nguồn nước, cấp ổn định cho khu vực bị ảnh hưởng sự cố nguồn nước sông Đà

Nhóm phóng viên| 17/10/2019 06:53

(HNM) - Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư bị ảnh hưởng sự cố nguồn nước sạch sông Đà, chiều 16-10, ông Đặng Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội) cho biết, từ ngày 15-10, đơn vị đã huy động tối đa nguồn nước dự phòng để cấp nước ổn định, bảo đảm chất lượng theo quy định vào mạng nước của Công ty cổ phần Viwaco.

Cụ thể, các khu vực: Quận Hoàng Mai (các phường Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt), quận Thanh Xuân (phường Kim Giang, một phần phường Hạ Đình, giáp phường Thanh Xuân Nam), quận Nam Từ Liêm (một phần phường Trung Văn, đoạn Phùng Khoang, giáp đường Nguyễn Xiển), các xã phía Tây quốc lộ 1A thuộc huyện Thanh Trì được tiếp nhận từ nguồn cấp của Công ty Nước sạch Hà Nội.

Tại các khu vực thuộc quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy (thuộc địa bàn quản lý cấp nước của Viwaco), ông Đặng Ngọc Hải cho biết, công ty cũng hỗ trợ cấp nước miễn phí bằng xe stec cho người dân. Người dân khi cần có thể liên lạc theo số điện thoại đường dây nóng: 024.38294786 (quận Thanh Xuân), 024.38293179 (quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy) để được cấp nước. Đồng thời, công ty cũng cung cấp miễn phí bình nước tinh khiết loại 20 lít cho các trường mầm non; khi có nhu cầu, các trường liên hệ theo số điện thoại: 024.38293166.

Để người dân chủ động lấy nước sạch sử dụng, Công ty Nước sạch Hà Nội cũng mở cửa 24/24 giờ các nhà máy sản xuất nước sạch: Nhà máy nước Hạ Đình (số 14 ngõ 192 Hạ Đình, quận Thanh Xuân); Nhà máy nước Pháp Vân (số 3 đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, quận Hoàng Mai); Nhà máy nước Mai Dịch (số 1 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy); Trạm cấp nước Quỳnh Mai (số 2 Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng).

* Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc súc xả ngay toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy đến các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, ngày 16-10, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã ra thông báo về việc tạm ngừng cung cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải nước. Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco cho biết, việc tạm ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải được đơn vị thực hiện từ 9h15 ngày 15-10. Sau khi hoàn thành, công ty sẽ thông báo về thời gian cấp nước trở lại.

* Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trong thời gian Viwasupco tạm ngừng cấp nước, Sở đã lên phương án điều tiết nguồn nước từ các nguồn tập trung của thành phố: Nguồn nước mặt sông Đuống, Nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì... Theo đó, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống điều tiết, bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông.

* Tại các địa bàn sử dụng nước sạch sông Đà do Công ty cổ phần Viwaco phân phối, ông Nguyễn Hữu Tới, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, trong ngày 15 và 16-10, đơn vị đã thông báo tới khách hàng, UBND các phường, xã về việc ngừng cấp nước và đề nghị khách hàng chủ động thau rửa hệ thống bể chứa nước sạch. Toàn bộ khối lượng nước súc xả của khách hàng được hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Việc Viwasupco tạm ngừng cấp nước đã khiến nhiều khu vực sử dụng nước do Viwaco phân phối bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo phương án điều tiết nguồn cấp, các khu vực gồm các xã thuộc huyện Thanh Trì; các phường Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); các phường Thanh Xuân Nam, Kim Giang, một phần phường Khương Đình (quận Thanh Xuân); Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đang được đấu nối để cấp tạm nguồn nước sạch tập trung của thành phố.

* Tại địa bàn do Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông phân phối, ông Hoàng Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định: Nguồn nước sông Đà chỉ chiếm 30% sản lượng nước do công ty cung cấp, 70% còn lại là nguồn từ các trạm cấp nước do đơn vị tự khai thác, sản xuất (công suất 80.000m3/ngày-đêm). Vì vậy, chỉ 1/3 các khu vực trên địa bàn bị ảnh hưởng gồm: Khu đô thị Dương Nội, Mỗ Lao, Nam Cường, Geleximco, Văn Khê, Park City; các phường: Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); các xã: An Khánh, La Phù, Vân Côn, An Thượng (huyện Hoài Đức).

Ngày 16-10, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông đã thông báo tới khách hàng khu vực đang sử dụng nguồn nước sạch sông Đà, đề nghị lên kế hoạch thau rửa bể. Toàn bộ nước thau rửa bể của người dân sẽ được công ty cung cấp miễn phí. Trong thời gian Viwasupco chưa cấp nước trở lại, ông Hoàng Văn Thắng cho biết, sẽ cấp nước cho khách hàng bằng nguồn nước sạch do công ty tự sản xuất và chuyển nguồn, điều tiết tiếp nhận từ nguồn nước mặt sông Đuống. Đồng thời, thực hiện vận chuyển nước bằng xe stec tại các địa bàn thiếu nước cục bộ (khách hàng liên hệ theo số điện thoại 0982043159). Người dân cũng có thể chủ động lấy nước 24/24 giờ tại các cơ sở cấp nước của công ty: Số 2A Nguyễn Trãi, số 797 Quang Trung (quận Hà Đông), cổng số 3 Khu đô thị Geleximco (huyện Hoài Đức).

* Một thông tin khác liên quan đến sự cố nguồn nước sông Đà, chiều 16-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lấy thêm 4 mẫu nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà để tiếp tục xét nghiệm. Các mẫu nước được lấy gồm: Nước thành phẩm, nước tại bể chứa nước trung gian tại huyện Thạch Thất, nước tại Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và nước tại họng nước đấu nối của Nhà máy nước sạch Sông Đà với hệ thống đấu nối nước của thành phố. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tăng cường giám sát, xét nghiệm các mẫu nước.

Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, các mẫu nước được lấy trong những ngày gần đây chất lượng đã cải thiện hơn. Còn với kết quả xét nghiệm những mẫu nước được công bố ngày 15-10 cho thấy, hàm lượng styren trong nước sạch tuy cao hơn mức cho phép, nhưng đó là nước lấy ở đầu nguồn và cô đặc, còn nồng độ trong thực tế ở hộ dân thì thấp hơn nhiều. Hơn nữa, người dân không sử dụng nguồn nước này trực tiếp, mà phải qua quá trình đun, nấu, vì vậy, chưa có cảnh báo nguy hại nào đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, việc thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống nước là cần thiết.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, styren nằm trong nhóm chỉ tiêu 2 năm kiểm tra một lần ở các nhà máy nước. Theo quy định, nước sạch có 109 chỉ tiêu phải kiểm tra, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B và 78 chỉ tiêu C. Các chỉ tiêu A và B sẽ được kiểm tra lần lượt một tháng/lần, 6 tháng/lần, còn chỉ tiêu C thì 2 năm/lần.

* Thời gian gần đây, tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, khi phát hiện nguồn nước sinh hoạt có mùi hôi, khét, người dân đã mua nước đóng chai, đóng bình về sử dụng. Trước tình hình đó, ngày 16-10, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường quản lý địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng nước đóng chai, đóng bình lợi dụng tình hình hiện nay để tăng giá bán bất hợp lý nhằm trục lợi, lũng đoạn thị trường. Các vi phạm phải được xử lý nghiêm và công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động tối đa nguồn nước, cấp ổn định cho khu vực bị ảnh hưởng sự cố nguồn nước sông Đà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.