Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nam Trung bộ sẵn sàng ứng phó với bão số 5

Sơn Nam| 30/10/2019 11:48

(HNMO) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ trong tối nay (30-10), với sức gió mạnh nhất gần tâm bão lên đến cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11, gây mưa to. Các địa phương trong vùng dự báo ảnh hưởng ở Nam Trung Bộ đã sẵn sàng ứng phó.

 Dự kiến hướng di của bão số 5 ngày 30 và 31-10.

Sáng 30-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Định đã có công văn khẩn gửi phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và Hiệu trưởng các trường, yêu cầu các trường mầm non, phổ thông cho học sinh nghỉ học từ chiều 30-10 đến hết ngày 31-10. Nếu để học sinh bị tai nạn do thiếu trách nhiệm, các cấp quản lý giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết, toàn tỉnh có 237 tàu với 1.896 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm. Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan và gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn thuyền trưởng di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại Phú Yên, số liệu dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, lượng mưa tại đây có thể lên đến 400-600mm/đợt.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, các hồ thủy điện trên địa bàn như: Sông Hinh, sông Ba Hạ, Krông H’năng và 50 hồ chứa thủy lợi đang có mức nước an toàn, phổ biến đạt 30-40% so với thiết kế. Các ban ngành chức năng của tỉnh đã thông báo tình hình mưa bão đến chủ nuôi 91.000 lồng bè thủy sản trên sông và ven biển; lên kế hoạch phòng chống mưa bão, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

Tàu thuyền ngư dân tỉnh Phú Yên neo đậu tránh bão nơi an toàn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Phú Yên đã thông báo tình hình bão số 5 và hướng dẫn phương án, địa điểm tránh trú cho toàn bộ 345 tàu cá với 1.924 lao động của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển phía Nam. Ngành Giáo dục tỉnh cũng chủ động lên phương án theo dõi diễn biến mưa bão trong các ngày từ 30-10 đến 2-11 để tùy tình hình cụ thể, có thể cho học sinh nghỉ học hoặc có kế hoạch sơ tán học sinh trong những ngày này.

Tại Khánh Hòa, địa phương được dự báo là tâm đổ bộ của bão, các ban, ngành chức năng đã lên kế hoạch sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 12h ngày 30-10; chủ động thực hiện phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với phương châm “Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”. Các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong các ngày 30 và 31-10.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, các đơn vị bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông đã xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực, nhân lực trực tại chỗ 24/24 giờ, sẵn sàng khắc phục kịp thời các hư hỏng công trình đường bộ, giữ giao thông thông suốt…

Chi Cục quản lý đường bộ III.3 (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đã huy động các nhà thầu dỡ một số tấm dải phân cách giữa trên quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa, tránh tình trạng ngập úng khi có mưa lũ xảy ra.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm thông tin về bão và chủ động có kế hoạch phòng tránh an toàn. Hiện 142 tàu cá với gần 1.500 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển chủ yếu ven Khánh Hòa (64 tàu), Trường Sa (47 tàu)... Toàn tỉnh có gần 2.000 bè nuôi thủy sản với gần 2.800 lao động đã được thông báo di dời, gia cố.

 Ngành Giao thông tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải tháo dỡ một số dải phân cách trên quốc lộ 1, đề phòng ngập úng.

Còn tại Ninh Thuận, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai nhanh các phương án ứng phó. Đến nay, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 692 chiếc với 5.549 lao động đã liên lạc được. Tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của Ninh Thuận 1.866 chiếc với 10.070 lao động.

UBND tỉnh đã yêu cầu các ban, ngành chức năng thực hiện lệnh cấm biển từ 19h ngày 29-10, chỉ đạo các địa phương quyết liệt và chủ động, kể cả cưỡng chế, triển khai di dời dân và tài sản ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Về an toàn hồ đập, tính đến ngày 29-10, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 103,45 triệu m3, đạt 53,19%. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lại an toàn các hồ đập; các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước; các hồ gần đạt ngưỡng từ 90- 95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nam Trung bộ sẵn sàng ứng phó với bão số 5

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.