Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay"

Minh Ngọc| 16/11/2019 15:44

(HNMO) - Ngày 16-11, chủ trì và phát biểu tại diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, diễn ra tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại những triết lý của cha ông như “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”, “Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề”, để nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đưa người chân lấm, tay bùn trở thành lao động có kỹ năng

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng đến gần 90.000 cán bộ, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây. Kết quả này góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây, từng bước thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng cho biết, năm 2019, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong các kỳ thi tay nghề, không ít người lao động Việt Nam đã đạt giải cao. Đến nay, các ngành, địa phương đã xác định được 130 nghề để đào tạo trọng điểm; xây dựng được 40 trường để đầu tư trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Công tác tuyển sinh vào các trường nghề vượt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai rộng rãi, thu hút đông đảo lao động nông thôn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề. Sau đào tạo, hơn 80% người lao động có việc làm…

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thể hiện rõ hơn thông qua mối quan hệ kết nối chặt chẽ giữa các nhà trường với doanh nghiệp. Sự gắn kết này đã giúp không ít người chân lấm, tay bùn, trở thành người lao động có tay nghề cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lượng lao động đứng thứ ba trong khu vực ASEAN, nhưng tỷ lệ lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt 20%, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Xu hướng chuyển dịch lao động còn bất hợp lý; tâm lý ưu tiên học đại học vẫn phổ biến… Thực trạng này khiến thị trường lao động Việt Nam đang “thiếu thầy, thiếu cả thợ”. Còn mạng lưới giáo dục nghề nghiệp như “chiếc áo ngũ sắc với không ít miếng vá víu từ vải cũ”.

Khẳng định nguồn lực phát triển của Việt Nam hiện nay không phải là tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc”, mà chính là gần 100 triệu người dân, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nghề.

Muốn trò giỏi phải có thầy hay

Theo Thủ tướng Chính phủ, chất lượng nguồn nhân lực là thế mạnh, là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia; đồng thời là yếu tố nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh tốc độ dân số già hóa diễn ra nhanh, không có cách nào tốt hơn là các cơ quan chức năng phải quan tâm, ưu tiên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.

Từ sự nhìn nhận đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan bám sát hơn nữa nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nâng cao tính dự báo, từ đó đề xuất các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho hài hòa, cân đối. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tổ chức các hoạt động đào tạo nghề phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần thiết kế, đề xuất một “hiệp ước xã hội”, trong đó có cam kết, khẳng định trách nhiệm của các bên liên quan là nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ về giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đề xuất các mô hình mới về đào tạo nghề, thí điểm mô hình đào tạo học sinh sau trung học cơ sở vào học cao đẳng; xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp quốc gia để có những dự báo chính xác về thị trường lao động…

Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập liên thông, tiến hành tự đào tạo…

Các nhà trường cần tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào giảng dạy.

“Hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần chấm dứt ngay tình trạng dạy chay, học chay. Muốn trò giỏi phải có thầy hay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ở cấp vĩ mô, Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi đối với những đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các địa phương cũng nên có chính sách ưu tiên cho các dự án đầu tư có sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Thủ tướng tin tưởng, với sự nỗ lực từ nhiều phía, hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển, thiết thực góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.