Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang chịu nhiều thiệt thòi

Minh Ngọc| 21/11/2019 18:18

(HNMO) - Ngày 21-11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức gặp mặt đại diện các cơ quan truyền thông để giới thiệu về hội nghị “Chính sách phát triển toàn diện trẻ em”. Hội nghị sẽ diễn ra ngày 23-11.

Trao đổi với đại diện các cơ quan truyền thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết, hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định phù hợp đối với nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, khiến các em phải chịu không ít thiệt thòi. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh trao đổi về các chính sách dành cho trẻ em hiện nay

Cụ thể, theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, thì trẻ em là người dưới 18 tuổi, nhưng Luật Trẻ em năm 2016 của nước ta lại quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Do đó, nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là thanh niên, trong khi Luật Thanh niên chỉ quy định chung chung là thực hiện theo các công ước quốc tế liên quan đến trẻ em đối với nhóm người ở độ tuổi này. 

Về công tác quản lý nhà nước, nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc đối tượng quản lý của Bộ Nội vụ, trong khi Bộ này chưa có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách làm công tác chăm sóc, bảo vệ người thành niên ở cấp cơ sở, chưa có hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội tương tự các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, không ít người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện. 

Bà Ngô Thị Minh đánh giá, độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và thành niên. Trong giai đoạn này, các em thường phải đối mặt với nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương, nhưng chưa đủ kiến thức ứng xử trong các mối quan hệ, đồng thời phải đối phó với nhiều thông tin, nhưng chưa đủ khả năng để phân biệt đúng, sai… Ở lứa tuổi nhạy cảm, các em rất cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục đặc biệt của gia đình, nhà trường cũng như sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời của toàn xã hội. Bởi vậy, đã đến lúc hệ thống pháp luật hiện hành cần bổ sung các quy định đối với nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo bà Ngô Thị Minh, nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên vừa được coi là trẻ em, vừa được coi là thanh niên như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Quan điểm này nên được thể hiện rõ ràng, nhất quán trong Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, làm cơ sở cho các ngành, địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang chịu nhiều thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.