Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám đốc Công an TP Hà Nội: Vụ trọng án ở  Đan Phượng là điển hình trong phòng ngừa xã hội yếu kém!

Bảo Hân - Thanh Hà| 05/12/2019 13:59

(HNMO) - Chiều 5-12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội trả lời các câu hỏi đại biểu nêu thuộc nhóm vấn đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Công an thành phố, Trung tướng Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn chiều 5-12

Quản lý số liệu đối tượng “ngáo đá” biến động lên xuống hằng ngày 

Đầu phiên chất vấn, Trung tướng Đoàn Duy Khương thông tin trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Tổ Thạch Thất), Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) và Đoàn Việt Cường (Tổ Mê Linh) về các giải pháp phòng ngừa tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng "ngáo đá", tâm thần, đối tượng là người ngoại tỉnh gây ra các vụ trọng án trong thời gian qua.

Giám đốc Công an thành phố phân tích, đối với các đối tượng có tiền án tiền sự được cơ quan công an quản lý, theo dõi di biến động, sẽ được xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ, còn các mâu thuẫn trong xã hội do bột phát, hoặc mâu thuẫn diễn biến có thời gian được gọi là phòng ngừa xã hội.

“Trong thời gian qua, vụ án ở Đan Phượng là điển hình trong phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an, nhất là công an cơ sở”, Giám đốc Công an thành phố thẳng thắn chỉ rõ.

Trung tướng Đoàn Duy Khương cũng thông tin, qua vụ việc đã yêu cầu Công an huyện Đan Phượng, đặc biệt là cán bộ đội Cảnh sát hình sự, công an phụ trách khu vực kiểm điểm bởi mâu thuẫn giữa đối tượng gây án và các nạn nhân không phải bột phát mà đã xảy ra trong thời gian dài. 

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Mê Linh) nêu chất vấn về quản lý tội phạm là người ngoại tỉnh.

Cũng theo Giám đốc công an thành phố, tháng 8-2016, Công an thành phố đã tổ chức 3 cuộc hội thảo để đưa ra khái niệm thế nào là “ngáo đá”, bởi thực tế từ này đang được “mượn” từ của chính con nghiện. Từ việc làm rõ được nội hàm của “ngáo đá”, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận huyện thị xã, lực lượng công an cơ sở khảo sát, rà soát, lên danh sách các trường hợp “ngáo đá”, lẫn vào đó có hàng chục trường hợp “ngáo rượu” để có biện pháp quản lý. 

“Tôi đã yêu cầu đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vào 16h hằng ngày nhắn tin số liệu biến động của đối tượng "ngáo đá" để quản lý thật chặt chẽ vì chính số này gây ra nhiều “thảm án”, không chỉ với người xung quanh mà còn với thân nhân gia đình”, Giám đốc Công an thành phố nêu.

Để quản lý tội phạm ngoại tỉnh, Trung tướng Đoàn Duy Khương nêu, với những người ngoại tỉnh về Hà Nội chưa có tiền án, tiền sự sẽ phải tổ chức nắm tình hình thông qua nắm hộ dân cư, quản lý tạm trú tạm vắng. Vào dịp cuối năm, Công an thành phố đều tổ chức tổng kiểm tra nhân khẩu, đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để phát hiện đối tượng ngoại tỉnh vào Hà Nội gây án. 

Nhiều quán karaoke sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm

Đề cập nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội tại quán bar, vũ trường như múa khiêu dâm, thác loạn đã từng xảy ra tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Sóc Sơn) chất vấn trách nhiệm của Công an thành phố và giải pháp ngăn chặn. Đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) cũng đặt câu hỏi về giải pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại các quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động

Cùng tham gia trả lời chất vấn trong chiều nay, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho rằng, quán bar là nơi kinh doanh có điều kiện, do nhiều cơ quan quản lý như Công Thương, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngành Văn hóa chỉ quản lý những hoạt động nghệ thuật trong các nhà hàng này.

“Rất mong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến lĩnh vực của sở, ngành mình và chính quyền địa phương thực sự vào cuộc để ngăn chặn những hiện tượng này. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để chủ nhà hàng không lợi dụng quán bar, nhà hàng để có những hoạt động biến tướng, trái quy định. Nếu cử tri phát hiện quán bar, nhà hàng có hoạt động không bình thường thì trình báo chính quyền để có biện pháp xử lý”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nêu.

Liên quan tới việc quản lý các quán karaoke, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, trên địa bàn Cầu Giấy hiện có 60 cơ sở karaoke hoạt động. Các quán này thường hoạt động về đêm nên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Năm 2018, lực lượng chức năng quận đã kiểm tra 85 lượt và xử phạt hành chính số tiền 1,4 tỷ đồng nhưng nhiều quán vẫn cố tình vi phạm.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh.

“Do chế tài xử lý còn nhẹ nên nhiều quán sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục vi phạm trở lại. Đề nghị chính quyền thành phố tăng chế tài xử phạt, lực lượng công an thực hiện các chuyên đề và báo chí, người dân cùng vào cuộc để xử lý triệt để vi phạm”, ông Bùi Tuấn Anh đề nghị.

58/60 bị cáo xâm hại trẻ em lĩnh hình phạt tù có thời hạn

Thông tin tới đại biểu về công tác xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nêu, năm 2019, TAND hai cấp thành phố đã thụ lý và xét xử 60 bị cáo có liên quan đến đến tội danh này. Trong đó, 58/60 bị cáo lĩnh hình phạt tù có thời hạn, trong đó hình phạt cao nhất là chung thân; 2 bị cáo cho hưởng án treo.

Chánh án TAND thành phố Nguyễn Hữu Chính

Cùng trả lời ở nội dung này, Trung tướng Đoàn Duy Khương nêu quan điểm, với các vụ việc xâm hại trẻ em, công tác thông tin tuyên truyền cần hạn chế. Báo chí vào cuộc đưa tin khách quan, trung thực và phải có tính xây dựng. 

“Xâm hại không chỉ xảy ra với các cháu nữ mà còn với cháu nam và có cả tội phạm người nước ngoài, đây là điểm mới của tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố năm 2019. Công an thành phố có kế hoạch thực hiện đề án đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên cũng như ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công an các quận, huyện, thị xã triển khai. Đây được coi là giải pháp trọng tâm năm 2019, đã mang lại hiệu quả cao”, Giám đốc Công an thành phố thông tin.

Đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) nêu nhiều chất vấn trong chiều 5-12

“Nhiều vụ án bị đình chỉ phải chăng cần xem xét lại chất lượng điều tra viên?” - Trả lời chất vấn này của đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì), Giám đốc Công an thành phố thừa nhận, hiện nay, lực lượng điều tra viên không những thiếu mà chất lượng yếu. Bộ Công an đang đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng điều tra viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác.

Cũng trong chiều nay, Giám đốc Công an, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thành phố cùng một số lãnh đạo các quận, huyện làm rõ các chất vấn đại biểu nêu về hành chính tư pháp, chất lượng điều tra, xét xử các vụ án, ngăn chặn tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...

Kết luận phiên chất vấn chiều 5-12, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã có 16 đại biểu đặt câu hỏi, 5 đồng chí tham gia trả lời (Giám đốc Công an, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố và 2 đồng chí chủ tịch UBND quận). Nhóm vấn đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố được đại biểu và cử tri quan tâm. 

Báo cáo của Giám đốc Công an thành phố đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân và có điểm mới là nêu rõ giải pháp, kiến nghị theo lộ trình về các vấn đề liên quan tới an ninh, trật tự. Về những thành tích đạt được, nhiều chỉ tiêu của ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát đạt và vượt kế hoạch đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình an ninh quốc phòng của thành phố được bảo đảm, người dân Hà Nội được sống trong một không khí rất bình yên. 

Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vụ án nghiêm trọng xảy ra ngay trong nội bộ gia đình, một số vụ án xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận, xuất hiện các băng ổ nhóm tín dụng đen...

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc bảo đảm an ninh trật tự là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng ngừa các hoạt động tội phạm, đặc biệt là các loại hình tội phạm mới hoặc đang có chiều hướng gia tăng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Công an TP Hà Nội: Vụ trọng án ở  Đan Phượng là điển hình trong phòng ngừa xã hội yếu kém!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.