Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp người khuyết tật: Quý nhất là động viên tinh thần

Minh Ngọc| 08/12/2019 07:19

(HNM) - Người khuyết tật là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được nhận sự động viên, giúp đỡ về nhiều mặt. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp trợ giúp người khuyết tật như thế nào cho hiệu quả, thực chất là vấn đề cần được quan tâm. Từ góc nhìn của người trong cuộc, họ cho rằng, các giải pháp có ý nghĩa tạo động lực, đòn bẩy đó là động viên tinh thần, thúc đẩy những suy nghĩ tích cực trong mỗi người.

Lớp học của học sinh khiếm thính tại Trường Phổ thông cơ sở Dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền

“Không có gì là không thể”

Đến Trung tâm Bảo tồn Lụa ở làng lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), chúng tôi ấn tượng đặc biệt với cửa hàng gắn biển Vụn Art. Trong không gian rộng khoảng 20m2, những lao động là người khuyết tật say sưa vẽ, cắt, đính những chi tiết nhỏ bằng vải lụa vụn để tạo thành những bức tranh vải sống động. Dẫn chúng tôi đi tham quan, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Lê Việt Cường, đồng thời là Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông cho biết: Cửa hàng là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Vụn. Đa số sản phẩm được tạo nên bởi những lao động là người khuyết tật, nhưng không vì thế mà sản phẩm có khiếm khuyết.

Sau hơn 2 năm hoạt động, Hợp tác xã Vụn đã tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động; cung ứng sản phẩm tới nhiều thị trường trong nước, quốc tế. “Nhìn lại quá trình lập nghiệp của bản thân, tôi nhận ra, không có sự trợ giúp nào hiệu quả bằng sự nỗ lực vươn lên của chính người khuyết tật. Khi mỗi người vững vàng tinh thần khởi nghiệp, họ sẽ không dễ dàng bị khuất phục trước những khó khăn, thách thức. Bởi vậy, tôi luôn động viên, nhắc nhở, khích lệ người lao động của Vụn Art hãy suy nghĩ tích cực, hãy hướng tới những điều tốt đẹp”, anh Lê Việt Cường bày tỏ.

Nhận được sự quan tâm, khích lệ kịp thời, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hồng và nhiều lao động làm việc tại Hợp tác xã Vụn đã bước sang trang mới. “Từ người sống tự ti, khép kín, phụ thuộc, đến nay, tôi đã có việc làm với mức thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống, có phần tích lũy cho tương lai”, chị Hồng phấn khởi.

Cũng xuất phát từ suy nghĩ “không có gì là không thể”, dù bị khiếm thị từ nhỏ, chị Đỗ Thị Huyền Trang, hiện là sinh viên năm thứ tư, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã trở thành “ánh sáng niềm tin” của nhiều người khuyết tật. Với vai trò quản lý Dự án Phát triển kỹ năng giao tiếp cho người khuyết tật, Huyền Trang và các cộng sự đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động dành cho người khuyết tật, giúp họ nhận ra, bị khuyết tật không phải là khác biệt. Người khuyết tật là một bộ phận trong xã hội, lao động khuyết tật có quyền và có khả năng tham gia vào thị trường lao động, chỉ cần họ nỗ lực, thành công sẽ đến.

Mở rộng cơ hội hòa nhập

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, để người khuyết tật vượt qua sự tự ti, mặc cảm, trước hết họ cần được sống, học tập, làm việc trong môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng. Đi liền với đó là các chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, theo từng dạng tật…

Thế nhưng, ở nước ta hiện nay, có chỗ, có nơi người khuyết tật còn bị phân biệt, đối xử thiếu công bằng. Các hoạt động trợ giúp chủ yếu mang ý nghĩa nhân đạo, từ thiện, nên chưa mang lại hiệu quả toàn diện, lâu dài. Việc triển khai chính sách hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam Lương Phan Cừ cho biết, trong giai đoạn 2013-2019, các cấp hội mới tổ chức đào tạo nghề cho hơn 15.000 người với tổng kinh phí gần 66 tỷ đồng, trong đó có hơn 52 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Lao động là người khuyết tật được đào tạo nghề thông qua các chương trình, dự án khác cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tính chung, đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng 40% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động, có nhu cầu, khả năng học nghề đã được hỗ trợ đào tạo nghề. Trong khi đó, nghề được hỗ trợ đào tạo phổ biến là chăm sóc sắc đẹp, chế biến món ăn, tin học, mây tre đan, may công nghiệp, tẩm quất… đã tương đối bão hòa trên thị trường lao động, nên chất lượng việc làm sau đào tạo không cao.

Đáng nói hơn, nước ta đang thiếu các công trình, dịch vụ công cộng trợ giúp cho người khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội. “Cả nước mới có 22,6% công trình y tế; 20,8% công trình giáo dục; hơn 10% nhà triển lãm, trưng bày, trung tâm hội nghị, trụ sở các cơ quan đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người khuyết tật. Điều này làm hạn chế cơ hội, khả năng hòa nhập của họ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phản ánh.

Để khắc phục những bất cập đang đặt ra, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương triển khai Chỉ thị số 39-CT/TƯ, ngày 1-11-2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”. Theo đó, trong thời gian tới, các hoạt động trợ giúp người khuyết tật sẽ chuyển hướng từ hỗ trợ, sang tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, ý chí vươn lên của họ. Nói cách khác, người khuyết tật sẽ có thêm những cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát huy tốt năng lực, sở trường của bản thân, chủ động hòa nhập xã hội.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước đang có 6,2 triệu người khuyết tật, bằng 7,06% tổng số dân, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng chiếm khoảng 29%, là trẻ em chiếm khoảng 28%, thuộc hộ nghèo chiếm khoảng 10%... So với quy mô dân số và các quốc gia trong khu vực, người khuyết tật ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao, số người cần được trợ giúp chiếm đa số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp người khuyết tật: Quý nhất là động viên tinh thần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.