Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường cai nghiện an toàn, thân thiện

Bài, ảnh: Minh Ngọc| 15/12/2019 07:18

(HNM) - Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố tiến hành điều trị người cai nghiện theo hình thức tự nguyện, đồng thời điều trị thay thế bằng Methadone.

Hoạt động theo mô hình mới từ ngày 1-1-2015, đến nay nơi đây đã trở thành môi trường cai nghiện an toàn, thân thiện, giúp những người sử dụng ma túy có thêm động lực, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Học viên của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 lao động trị liệu tại xưởng phân loại giấy vụn.

Tiếp thêm động lực

Ngày nào cũng vậy, khoảng 7h sáng, vợ chồng anh Tăng Anh T. và chị Phạm Thị D., lại vượt quãng đường hơn 10km, từ quận Đống Đa đến Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 để uống Methadone thay thế cho các chất dạng thuốc phiện. Kiên trì uống Methadone từ tháng 8-2015 đến nay, sức khỏe của anh T. và chị D. chuyển biến rõ rệt, sống vui vẻ, tích cực hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh T. cho biết: “Chúng tôi luôn được đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 đón tiếp chu đáo, đối xử bình đẳng, tư vấn nhiệt tình, tận tâm. Hơn nữa, chúng tôi còn được điều trị thay thế bằng Methadone miễn phí trong thời gian dài. Điều này phần nào cho thấy, cả xã hội đang đồng hành với những người sử dụng ma túy trên chặng đường tìm lại bản thân. Đáp lại sự quan tâm đó, không có cách nào tốt hơn là chúng tôi phải trở thành người có ích”. Tiếp lời chồng, chị D. nói: “Việc hạn chế sự lệ thuộc vào ma túy giúp cuộc sống của gia đình tôi đổi thay từng ngày. Hiện nay, vợ chồng tôi đều có việc làm, thu nhập, cùng nhau chăm sóc gia đình, con cái”.

Ngoài trường hợp nêu trên, mô hình điều trị thay thế bằng Methadone triển khai hiệu quả tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 đã góp phần tiếp thêm động lực từ bỏ dần ma túy cho nhiều người. Chẳng hạn như anh Phạm Văn T. (quận Hai Bà Trưng) đã giảm liều sử dụng từ 80mg/ngày trong thời gian đầu điều trị vào tháng 8-2015, xuống còn 35mg/ngày trong thời gian gần đây. Cùng điều trị từ năm 2015 đến nay, anh Nguyễn Thế A. (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) đã giảm liều sử dụng xuống mức thấp, hiện còn 5mg/ngày.

Đặc biệt hơn là trường hợp anh Nguyễn Thanh S. (phường Kim Mã, quận Ba Đình) hồi phục sức khỏe thấy rõ. “Do không may bị tai biến, trong giai đoạn đầu đến điều trị thay thế bằng Methadone, anh S. hầu như không thể tự đi lại được. Mọi hoạt động đều cần sự hỗ trợ của người khác. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình, sức khỏe thể chất, tinh thần của anh S. cải thiện thấy rõ”, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Y tế, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 cho hay.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Văn Hiệp đánh giá, giải pháp điều trị thay thế bằng Methadone mang lại nhiều lợi ích. Đối với người sử dụng ma túy, dễ nhận thấy là sức khỏe của họ chuyển biến tích cực, sự lệ thuộc vào ma túy giảm dần. Hình thức điều trị ngoại trú giúp cuộc sống của họ không bị xáo trộn, có thể vừa điều trị, vừa đi làm. Chi phí cho việc điều trị thay thế không đáng kể, tạo cơ hội cho nhiều người có thể cai nghiện. Đối với xã hội, việc hỗ trợ cai nghiện bằng Methadone góp phần làm giảm nguy cơ lây truyền HIV; giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất so với điều trị cai nghiện tập trung…

Củng cố niềm tin

Cùng với mô hình điều trị thay thế bằng Methadone, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 còn tiếp nhận học viên đến cai nghiện tự nguyện với quy mô khoảng 300 người, thời gian điều trị trung bình từ 3 đến 6 tháng. Tại đây, sau giai đoạn cách ly để điều trị cắt cơn, giải độc (kéo dài từ 2 đến 3 tuần), tất cả học viên sẽ được tham gia sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; đồng thời được lao động trị liệu tại xưởng phân loại giấy vụn, xưởng gia công đồ nội thất, xưởng gia công đồ điện dân dụng, xưởng sản xuất hàng mây, tre đan… Những người tham gia lao động sẽ được trả tiền công theo ngày và có quyền tự sử dụng. Ngoài ra, học viên còn được học về giá trị sống, trang bị kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng…

Sống trong môi trường cởi mở, thân thiện, nhiều học viên đã, đang nỗ lực điều trị cai nghiện, hình thành những suy nghĩ tích cực. Anh Nguyễn Hoàng V., đến từ xã Song Phương (huyện Hoài Đức) nói: “Tôi đã phải trả cái giá quá đắt do sử dụng các chất ma túy. Gia đình tan vỡ, sự nghiệp đi xuống, sức khỏe giảm sút... Khi nhận ra điều này, tôi tự nguyện tìm đến Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 để điều trị cai nghiện. Nhận được sự trợ giúp tận tình, tôi tin bản thân sẽ có đủ quyết tâm sửa sai, làm lại cuộc đời”.

Tương tự, anh Nguyễn Nhật D., đến từ phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Kết thúc thời gian điều trị cai nghiện, tôi sẽ đi học nghề, sẽ cố gắng tránh xa những cám dỗ, để bản thân không trở thành người xấu”…

Ngoài các hoạt động tại đơn vị, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 còn phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tư vấn tại cộng đồng về những tác hại do ma túy gây ra và tác dụng của việc đi cai nghiện tự nguyện hoặc sử dụng Methadone thay thế. Điều này đã góp phần tạo ra mối liên kết giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng từ khâu vận động, hỗ trợ người sử dụng ma túy đi cai nghiện, đến việc giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Từ những dẫn chứng này để thấy rõ hơn tính hiệu quả của mô hình điều trị cai nghiện tự nguyện cũng như điều trị thay thế bằng Methadone. Tiếc rằng, sau gần 5 năm triển khai, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 mới tiếp nhận gần 300 lượt người đến điều trị thay thế (hiện nay là 111 người). Số người tự nguyện đi cai nghiện tuy đạt kế hoạch đề ra (tổng số là hơn 3.000 học viên, trong đó năm 2019 có hơn 500 học viên), nhưng còn ít so với số người sử dụng ma túy trong thực tế.

Trước thực trạng này, ông Đỗ Trọng, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 mong muốn các gia đình và cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến người sử dụng ma túy; không kỳ thị, xa lánh họ, đồng thời động viên họ chủ động, tự nguyện đi cai nghiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường cai nghiện an toàn, thân thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.