Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi niềm quanh tấm giấy khai sinh

Lam Ðiền| 16/03/2020 13:47

(HNNN) - Tấm giấy khai sinh có mặt từ lâu và hiện vẫn đang được sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, vấn đề liên quan tới giấy khai sinh từng được đưa ra trước Quốc hội và rất nhiều vấn đề đã được giải quyết trên tinh thần bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền của trẻ em: “Có họ tên, quốc tịch và được bảo vệ giữ gìn bản sắc”.

Chị Đỗ Thị Tri với giấy khai sinh của mình.

Những chuyện rắc rối

Kể lại những chuyện liên quan tới tấm giấy khai sinh của mình, chị Đỗ Thị Tri, công nhân Khu công nghiệp Bình Phú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) giọng đượm buồn: “Ông nội định đặt cho tôi tên “Chi”, mượn ý cỏ Lan chi mỏng manh nhưng có sức sống bền bỉ. Bố tôi lên UBND xã làm thủ tục nhưng đã không kiểm tra lại khi cán bộ làm giấy khai sinh “xuống bút” từ “Chi” thành “Tri”.

Chuyện là thế, suốt những năm đi học thì không có vấn đề gì, nhưng sau đó chị Đỗ Thị Tri đã “trượt” kỳ thi viên chức chỉ vì “lỗi đánh máy” liên quan tới cái tên của mình. Cán bộ lập hồ sơ cho rằng đã lót chữ “Thị” thì phải là nữ, tên phải là “Chi” chứ không thể là “Tri” được. Khi đơn từ của chị gửi đi được xem xét thì danh sách thi đã được chốt, chị Tri bị loại “từ vòng gửi xe” vì cán bộ kiểm tra cho rằng hồ sơ bị sai lệch. Rồi thêm một lần thi không thành nữa, chị thôi làm giáo viên hợp đồng để đi làm công nhân. Kể lại câu chuyện này, chị bảo rằng: “Vậy là cũng đã “chết danh” ba chục năm có lẻ”!

Cũng liên quan tới tấm giấy khai sinh, trường hợp anh Nguyễn Chiến Thắng, một chủ thầu xây dựng ở thôn Năm Trại (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) là câu chuyện khó tin mà có thật. Anh bảo rằng: “Đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” (năm mươi tuổi biết mệnh trời) mà vẫn “đau” vì chuyện giấy khai sinh”. Đầu tiên là trong kỳ thi tốt nghiệp cấp II (nay là THCS), anh “gặp nạn” vì ngày sinh trong giấy tờ được ghi là... 30-2. Dù thực tế không có ngày 30-2 nhưng cán bộ địa phương đã ký, đóng dấu đỏ...

Ở kỳ thi đó anh Thắng may mắn được “khất nợ” về hồ sơ, được cho thi, đến lúc thi cấp III (nay là THPT) cũng thế, nhưng đến khi đi học nghề rồi ra nghề mới thấm thía với ngày sinh “giả tưởng” của mình. “Người ta không nhận mình vào làm việc, lấy chuyện mình khai sinh ngày 30-2 để từ chối thì biết làm sao!” - anh Thắng còn cho biết thêm, dù vậy anh cũng không trách ai vì trong đó có cả lỗi của gia đình đã quá tin vào cán bộ xã, không kiểm tra lại nội dung được ghi trong giấy...

Nhưng lỗi khai sinh cũng có khi không do việc ghi chép mà thành. Ông Nguyễn Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch UBND xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) cho biết một hiện tượng khai sinh thuộc diện “độc nhất vô nhị”, có thể do lệ làng từ xa xưa mà đến nay các nhà nghiên cứu cũng chưa thể trả lời thỏa đáng. Trước năm 1990, 100% giấy khai sinh ở đây theo “lệ” lần lượt được ghi từ đệm, họ rồi tới tên. Ví dụ, cha là Nguyễn Đình... thì tên các con thường sẽ là Đình Nguyễn..., Đình Thị...; cha là Nguyễn Kim... thì các con là Kim Nguyễn..., Kim Thị... Sau năm 1990, vẫn còn khoảng 25% số giấy  khai sinh được ghi theo lệ cũ, gây ra hệ lụy kéo dài mà đến nay vẫn chưa khắc phục hết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Kiến (ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) thì hiện tượng đó có thể là do các dòng họ gồm nhiều chi nên đã lấy chữ đệm để phân biệt, sau tên đệm phát triển thành họ nhưng mọi người vẫn để nguyên như vậy, dần dà trở thành một họ mới. Theo văn bia “Hưng công tu tạo Bảo Lâm tự bi” dựng năm 1693 thì xã có 29 dòng họ, chỉ có họ Nguyễn Kim, chưa có họ Kim, vậy mà đến đầu thế kỷ XXI, họ Kim chiếm hơn 50% dân số của một làng có 33 dòng họ - là do tính chung các họ có gốc Nguyễn Kim.

Ở xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) cũng từng có tình trạng như ở xã Hát Môn. Nhiều người, kể cả lãnh đạo thôn, xã cũng trả lời nguyên nhân dẫn tới tình trạng “đệm rồi mới tới họ” là do tập quán địa phương. Dù việc đó “êm” trong phạm vi địa phương nhưng khi đi học, đi làm hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến hộ khẩu, nhà đất thì hàng trăm người đã phải năm lần bảy lượt ngược xuôi nhờ người xác nhận bảo lãnh, cải chính; nhiều người lỡ cơ hội học hành, làm việc... chỉ vì bố đẻ và con không cùng họ.

Vẫn cần giấy khai sinh

Hệ thống máy móc thiết bị ở Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an phục vụ việc cấp mã số định danh cá nhân. Ảnh: Bá Đô

Những chuyện kể trên không phải là hiếm, như chuyện giấy khai sinh không có ngày sinh, chỉ có tháng và năm; bản sao giấy khai sinh với số liệu khác với bản gốc; năm sinh trong giấy tờ tùy thân khác với năm ra đời thực tế... Với những người “vô tư” thì chuyện ấy về sau có thể gây rắc rối cho họ; còn với người “có võ” thì nảy sinh cách “làm đẹp” hồ sơ nhằm vụ lợi. Đó là chưa kể trường hợp thông đồng để khai sinh lại nhằm tránh nghĩa vụ công dân; khai tăng tuổi để hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với người cao tuổi, dẫn tới tình trạng em gái “lớn tuổi” hơn anh trai hoặc hai người đồng niên nay có người mừng thọ trước bạn mấy năm...

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đáng kể là công tác quản lý hành chính trong một thời gian dài bị buông lỏng, để lại hậu quả không dễ khắc phục. Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Chi bộ 1, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) cho rằng, ở làng xã dù biết chuyện khai sinh sai lệch thì mọi người cũng chỉ “xì xào” rồi thường là cho qua, hoặc cùng lắm là “kính chuyển” nơi khác giải quyết kết hợp tuyên truyền, thuyết phục cải chính.

Còn từ góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và cộng sự ở Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho rằng, những trường hợp khai sinh lại với mục đích vụ lợi là hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, việc giải quyết hậu quả rất mất thời gian, công sức vì liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan, việc khắc phục hậu quả cũng khó thực hiện một cách thấu đáo...

Từ những điều nói trên, dễ hiểu khi vấn đề liên quan tới giấy khai sinh không chỉ một lần được đưa ra bàn thảo ở các kỳ họp Quốc hội, tất cả nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giải pháp cải cách tư pháp. Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến nên duy trì giấy khai sinh, dư luận xã hội cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ điều đó. Lý do chính vẫn là: Giấy khai sinh có hiệu quả về nhiều mặt, không chỉ với riêng cá nhân mà còn đối với xã hội. Nhìn rộng ra, hầu hết các nước trên thế giới vẫn sử dụng giấy khai sinh, cho thấy loại giấy tờ này đã, đang và sẽ còn hữu dụng.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2/191 quốc gia phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Trong Công ước có 2 nội dung quan trọng là: “Đứa trẻ sẽ được đăng ký ngay sau khi sinh và sẽ có quyền sinh ra từ một tên, quyền có được quốc tịch...”, và “Các thành viên cam kết tôn trọng quyền của đứa trẻ để bảo vệ danh tính của mình, bao gồm quốc tịch, tên và quan hệ gia đình...”.

Trong thực tế, giấy khai sinh được sử dụng vào nhiều việc; thủ tục cấp giấy khai sinh đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp. Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Chánh thanh tra huyện Quốc Oai, những năm gần đây, với việc vận hành cơ chế “một cửa” và chất lượng công tác cải cách tư pháp được nâng lên, độ chính xác, đầy đủ của giấy khai sinh rất được chú trọng. Người đi làm giấy khai sinh được soát xét kỹ càng bản nháp, khẳng định tính chính xác với cán bộ tư pháp xã rồi bản chính mới được in ra; các bản sao đều được in tại chỗ với nội dung như bản chính tuy hình thức giấy, chất lượng giấy có thể khác. Ông Luyện cho biết thêm, cho đến khi chưa có một công cụ “tích hợp” có thể thay thế nhiều loại giấy tờ tùy thân thì giấy khai sinh vẫn sẽ là thứ giấy tờ thiết yếu, thiết thực của mỗi cá nhân.

Trong nỗ lực cải cách tư pháp, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch (khai sinh, khai tử; kết hôn, ly hôn; thay đổi họ, tên, quốc tịch...) đã có nhiều chuyển biến tích cực, được xã hội ghi nhận. Điều đó càng thúc đẩy công dân thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Giấy khai sinh nói riêng và hộ tịch là chứng cứ pháp lý để cá biệt hóa một công dân, là cơ sở giúp Nhà nước tăng cường hiệu quả quản lý xã hội. Cả hai phía (người dân và cơ quan hữu trách) phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; đồng thời đóng góp trí tuệ để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp trong xu thế xã hội Việt Nam đang vận động không ngừng theo hướng văn minh, luôn tôn trọng quyền con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm quanh tấm giấy khai sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.