Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ ''phao cứu sinh'' cho người lao động

Kim Vũ - Thùy Ngân| 11/07/2020 08:00

(HNM) - Toàn thành phố Hà Nội hiện có trên 53.000 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Thực trạng này kéo theo quyền lợi an sinh xã hội của hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giữ được "phao cứu sinh" cho người lao động là yêu cầu đặt ra với cơ quan chức năng trong lúc này...

Việc xử lý những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Thái Hiền

Quyền lợi bị ảnh hưởng nặng nề

Hơn 6 năm nay, người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Khóa Minh Khai (huyện Thanh Trì) chịu thiệt thòi do doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài (từ tháng 3-2014). Trong đó có trường hợp của chị Nguyễn Thị Chiên và anh Trần Văn Xuân, công nhân lắp ráp của Công ty đã nghỉ hưu từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận sổ hưu.

Chị Chiên chia sẻ: "Cực chẳng đã, để được nhận lương hưu, tôi phải tạm ứng 50 triệu đồng, anh Xuân tạm ứng 100 triệu đồng để tách đóng BHXH của chính mình trong khi đây phải là nghĩa vụ của công ty. Công ty hứa sẽ hoàn trả số tiền này nhưng từ tháng 10-2017 đến nay vẫn nợ 50% số tiền chúng tôi đã tạm ứng".

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoa còn thiệt thòi hơn. "Do quy định của Luật Việc làm, sau khi thất nghiệp 1 tháng, nếu lao động không xuất trình sổ BHXH thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do Công ty cổ phần Khóa Minh Khai còn nợ tiền BHXH nên tôi và hàng chục công nhân khác không được nhận sổ BHXH", chị Hoa cho biết.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhiều năm nay, các công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) bức xúc vì công ty nợ đọng BHXH kéo dài. Có thể kể đến trường hợp chị Nguyễn Thị Lan, sau khi xin nghỉ việc đã không được hưởng tiền bảo hiểm thất nghiệp do công ty không chốt được sổ BHXH.

Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng thông tin thêm, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân nợ đọng BHXH, nên có người về hưu 4 năm vẫn chưa được nhận sổ hưu; có người sinh con thứ hai vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản của con đầu lòng. 

Còn tại huyện Thường Tín, hàng trăm lao động của Công ty cổ phần Tập đoàn Gang thép Hàn Việt và Công ty cổ phần Đức Dương Việt Nam đã điêu đứng, khi hai doanh nghiệp này nợ BHXH 59 và 101 tháng.

Theo đại diện BHXH Hà Nội, tình trạng nói trên xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế của một số người sử dụng lao động, có những đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi nhưng vẫn nại lý do khó khăn do dịch Covid-19 để chây ỳ, chậm đóng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, hoặc hoạt động cầm chừng, nên không có nguồn tiền để trả nợ cơ quan BHXH.

Mạnh tay xử lý vi phạm

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Trì Trịnh Quốc Công cho biết, đơn vị đã nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần Khóa Minh Khai từ năm 2016. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hoàn tất thủ tục do công ty này không thành lập tổ chức Công đoàn nên không có đơn kiến nghị từ công đoàn cơ sở. Trước mắt, BHXH huyện Thanh Trì vẫn cho phép người lao động được tách đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi chốt sổ nghỉ hưu, chuyển việc làm...

Còn theo Giám đốc BHXH huyện Thường Tín Nguyễn Văn Giới, đơn vị đã đề nghị BHXH thành phố ban hành quyết định thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nợ đọng lâu năm.

Trong khi đó, ông Tạ Văn Dưỡng thông tin, căn cứ Điều 14 Luật BHXH, từ ngày 1-1-2016, chức năng khởi kiện nợ đọng BHXH đã được chuyển từ cơ quan BHXH sang tổ chức Công đoàn. Song 2 năm qua, chưa doanh nghiệp nào được Tòa án đưa ra xét xử do vướng mắc về mặt pháp lý. Vì vậy, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã kiến nghị cơ quan chức năng sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật BHXH liên quan đến việc tổ chức công đoàn tham gia tố tụng dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, theo hướng trao thẩm quyền khởi kiện về vi phạm trong lĩnh vực BHXH cho công đoàn cấp trên cơ sở. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nợ đọng; tăng chế tài xử phạt, khởi kiện ra tòa, thậm chí đề nghị xử lý hình sự.

Về hướng xử lý vi phạm, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, mới đây BHXH Hà Nội đã hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định Bộ luật Hình sự một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH nổi cộm. Bên cạnh đó, đơn vị công khai danh sách 500 doanh nghiệp nợ đọng từ 6 đến 24 tháng; đề nghị cơ quan có thẩm quyền không vinh danh, khen thưởng các đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

“Thời gian tới, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan mạnh tay xử lý những vi phạm, đồng thời tìm phương án giải quyết nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Vũ Đức Thuật khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ ''phao cứu sinh'' cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.