Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì nhịp độ thi hành án

Hà Phong| 14/09/2020 07:29

(HNM) - Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù cả nước phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song hệ thống thi hành án dân sự đã chủ động ứng phó, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh giao ban trực tuyến, tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Nhờ đó, kết quả thi hành án duy trì được nhịp độ.

Những tháng đầu năm 2020, các cơ quan thi hành án dân sự của cả nước đã thi hành xong 425.442 việc/645.018 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 65,96%; về tiền, thi hành xong hơn 41.545 tỷ đồng/159.814 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 26%. Kết quả này tuy có giảm về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2019 nhưng không đáng kể (giảm 2,04% về việc và giảm 0,91% về tiền).

Bên cạnh những kết quả đạt được, số liệu thống kê cũng cho thấy còn một số ít địa phương có tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền đạt thấp, khó hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, qua công tác kiểm tra cho thấy, ở một số địa phương có tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng thời hạn.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng Trần Phước Thu cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đà Nẵng phải hạn chế nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả thi hành án trực tiếp tại trụ sở cơ quan; tạm dừng việc triệu tập đương sự, các cuộc họp liên ngành, cưỡng chế có huy động lực lượng... Đây chính là nguyên nhân khiến tiến độ giải quyết chưa như mong muốn.

Một trong những khó khăn khiến nhiều cơ quan thi hành án gặp phải là các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi ký hợp đồng thế chấp không thẩm định rõ tài sản thế chấp, đến khi kê biên, bán đấu giá tài sản để tổ chức thi hành án gặp vướng mắc, làm vụ việc kéo dài. Ngoài ra, công tác thi hành án dân sự còn vấp phải những “bức chắn” do một số quyết định, bản án của tòa án tuyên không rõ, có sai sót nhưng chậm giải thích, nên không thể tổ chức thi hành ngay được.

Trong bối cảnh nêu trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho rằng, thủ trưởng các đơn vị phải phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, sâu sát, quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, chủ động tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, cơ quan liên quan phương án phối hợp giải quyết.

Còn Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết, cùng với triển khai giải pháp khắc phục khó khăn, Cục đã chú trọng đôn đốc tiến độ thi hành án của từng chấp hành viên; tăng cường xác minh, phân loại án; hướng dẫn một số chi cục có kết quả thấp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vì vậy tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự những tháng cuối năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị, việc triển khai phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án, tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và xác nhận kết quả thi hành án qua dịch vụ bưu chính viễn thông cần được đẩy mạnh, không chỉ tại địa bàn có dịch mà phải trên phạm vi toàn ngành, toàn quốc. Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào địa chỉ http://htttthads.moj.gov.vn để thực hiện việc gửi các yêu cầu hỗ trợ và tra cứu thông tin trực tuyến về thi hành án dân sự, qua đó hạn chế việc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Cục cũng sẽ nắm bắt một cách toàn diện quá trình tiếp nhận hồ sơ và tiến độ giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại cơ quan thi hành án dân sự; nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức được phân công giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm việc đăng tải công khai thông tin về bán đấu giá tài sản lên Cổng thông tin điện tử quốc gia, tạo sự minh bạch, góp phần đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy hoàn thành tốt chỉ tiêu về án có điều kiện thi hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì nhịp độ thi hành án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.