Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên ngừng cấp điện, nước ngay từ khi công trình có sai phạm

Hiền Thu| 15/09/2020 11:18

(HNMO) - Sáng 15-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị đã có 12 lượt ý kiến phát biểu, góp ý vào dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản, các vấn đề sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, đồng thời tiếp tục tập trung góp ý về một số vấn đề liên quan đến khái niệm, thẩm quyền, thủ tục và biện pháp xử lý vi phạm hành chính…

Góp ý vào dự thảo Luật, nhiều đại biểu quan tâm tới khoản 27, điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 58 quy định về thời gian lập biên bản vi phạm hành chính là 24 giờ, 48 giờ kể từ khi phát hiện ra vi phạm hành chính và 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm.

Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, việc quy định mốc thời gian trên chỉ phù hợp với hành vi vi phạm đã rõ ràng, quá trình định giá, giám định, xét nghiệm có thuận lợi, không gặp khó khăn, vướng mắc.

Chung quan điểm, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang khẳng định, nếu quy định cứng thời hạn phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính như vậy sẽ rất khó cho người thực hiện, bởi đối với các vụ tai nạn giao thông, không phải trường hợp nào cũng truy ngay được vi phạm trong 24 giờ hay 48 giờ.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 86, các đại biểu nhất trí bổ sung phương án “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, vì khi áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước sẽ hiệu quả hơn, hạn chế được việc phải tổ chức lực lượng cưỡng chế cũng như ngân sách nhà nước chi cho công tác cưỡng chế. Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, việc ngừng cấp điện, cấp nước nên áp dụng ngay khi phát hiện vi phạm chứ không nên để đến khi công trình đã được thi công lâu, thậm chí đưa người dân vào ở rồi thì việc xử lý sẽ rất khó khăn.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân, UBND huyện Gia Lâm và UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng, nên ngừng cấp điện, nước ngay từ khi công trình có sai phạm, để tránh phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung như: Tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ; tăng thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả cho chủ tịch UBND cấp xã, huyện, nhất là trong lĩnh vực đất đai…  

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai khẳng định, đây là nguồn tư liệu quan trọng được phân tích, đánh giá từ thực tiễn. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý, báo cáo các cơ quan của Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên ngừng cấp điện, nước ngay từ khi công trình có sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.