Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tin về một khởi đầu tốt đẹp

Nhóm phóng viên| 15/02/2021 06:10

(HNM) - Như để bù trừ cho một năm qua đi với nhiều biến động, thách thức, thời khắc Giao thừa và những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021 ghi dấu bằng tiết trời se lạnh vào đêm và sáng sớm, ấm áp về trưa và chiều. Thời tiết thuận lợi không chỉ tạo điều kiện lý tưởng cho người dân Thủ đô du Xuân, thưởng Tết, mà còn mang đến niềm tin về khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới may mắn, tốt lành.

Người dân Thủ đô vui Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhật Nam 

Những ngày Xuân đặc biệt

Đêm 30 Tết, tiết trời Hà Nội se lạnh. Cái lạnh hòa cùng không khí Xuân vừa dịu ngọt, vừa hối hả như thôi thúc lòng người buông bỏ những bộn bề để hưởng sự đoàn viên với gia đình. Trong mỗi nếp nhà hắt ra ánh đèn ấm cúng cùng hương trầm tỏa bay, ai nấy đều hồi hộp chờ đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ - mới. Khác với các năm trước, Giao thừa ở Hà Nội năm nay đặc biệt hơn, khi cùng với cả nước, Thủ đô đang trong tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình bắn pháo hoa đêm Giao thừa ở 30 quận, huyện, thị xã đã được rút gọn còn một điểm duy nhất để tổ chức ghi hình trực tiếp, phục vụ nhân dân; toàn bộ chương trình biểu diễn nghệ thuật được dừng lại...

Song không vì thế mà Tết thiếu niềm vui. Nhiều gia đình đón Giao thừa tại nhà. Ngoại trừ không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, thu hút khá đông người, còn hầu hết không gian công cộng khác đều thưa vắng người du Xuân trong đêm Giao thừa. Ông Hoàng Mạnh Khôi (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng chứng kiến sức mạnh của tinh thần đoàn kết, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã mang lại những kỳ tích mà thế giới phải ghi nhận. Tôi tin rằng, một lần nữa chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”.

Tình hình dịch được kiểm soát tốt những ngày đầu Xuân Tân Sửu, song nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 không vì thế mà bị lơ là, chủ quan. Tại nhiều điểm di tích nổi tiếng, như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đền Sóc... khá đông người hành hương. Mọi người đều đeo khẩu trang, có ý thức giữ khoảng cách. Tại các điểm di tích đều tổ chức đội an ninh giám sát, nhắc nhở cũng như lắp đặt các bảng khuyến cáo phòng, chống dịch. Không ít nơi bố trí điểm phát khẩu trang, đặt nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, ấn định khoảng cách... cho du khách. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám lắp đặt tấm chắn ngăn cách giữa "ông đồ" và người xin chữ; phủ Tây Hồ tổ chức phân luồng giao thông từ xa để giảm lượng người đến hành lễ cùng lúc... Ở các không gian mở, như: Phố sách, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố bích họa Phùng Hưng... việc giám sát, nhắc nhở phòng dịch cũng được duy trì.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong 2 ngày Tết đã đón hơn 11 vạn lượt khách, đền Ngọc Sơn đón gần 2 vạn du khách... Mỗi nơi đều ứng trực tối đa lực lượng, có nhân viên nhắc nhở người dân giãn cách, đeo khẩu trang...

Mang Xuân đến mọi nhà

Xin chữ đầu Xuân, nét đẹp văn hóa của người Việt. Trong ảnh: Người dân Thủ đô xin chữ lấy may đầu năm tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam

Khi mọi người, mọi nhà vui Xuân mới, thì những công nhân vệ sinh môi trường vẫn tất bật với công việc quen thuộc, để luôn đem lại sự phong quang, sạch đẹp cho phố phường Thủ đô. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, đơn vị đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực, tổ chức ứng trực 24/24giờ, duy trì vệ sinh, quét hút, rửa đường... bảo đảm không để tồn đọng rác hằng ngày. Còn chị Đỗ Thị Huyền (công nhân vệ sinh môi trường Tổ môi trường số 7, URENCO - Chi nhánh Hoàn Kiếm) bày tỏ: "Phố, phường sạch, đẹp chính là Tết của những công nhân vệ sinh môi trường. Dù không có nhiều thời gian bên gia đình, nhưng đây là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của chúng tôi".

Cùng mong muốn mang đến không khí tươi vui, an lành cho nhân dân, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm giữ an ninh, an toàn tuyệt đối. Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ 19h ngày 11-2 (tức 30 Tết) đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố đã ứng trực, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn thành phố được giữ vững.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Công an thành phố đã tập trung cao độ, đồng loạt triển khai các giải pháp để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân vui Xuân, đón Tết; đồng thời phối hợp hiệu quả với các cơ quan, ban, ngành chức năng của Trung ương và thành phố, nhất là ngành Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, song đường phố Hà Nội vẫn được trang hoàng tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Trên các tuyến đường như: Tràng Tiền, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Độc Lập, Hùng Vương... đều rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Năm mới đến cũng là thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa được tổ chức thành công tốt đẹp. Năm 2021 cũng là năm đầu Thủ đô thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với những kỳ vọng và sự lạc quan về sức bật mới. Đón Xuân mới trong tâm thế mới, người dân Thủ đô tin tưởng rằng, Hà Nội với khát vọng vươn lên, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong năm Tân Sửu 2021, tạo tiền đề bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin về một khởi đầu tốt đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.