Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó với hạn mặn

Minh Điền - Huỳnh Dũng| 24/02/2021 07:03

(HNM) - Hiện nay, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông trên hệ thống sông Cửu Long, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành đã, đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó để hạn chế tối đa thiệt hại do xâm nhập mặn.

Dự án cống Cái Bé vận hành ngăn mặn từ đầu tháng 2-2021 tác động tích cực đến 20.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang.

Nỗi lo của người dân

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo đỉnh xâm nhập mặn tại các cửa sông trong hệ thống sông Cửu Long năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 25-2 đến 4-3, mức độ tương đương hạn mặn năm 2016. Cụ thể, với ranh giới độ mặn 4g/lít (không thể dùng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt), sông Vàm Cỏ Đông sẽ có phạm vi ảnh hưởng từ 90-100km, sâu hơn từ 5-15km so với mức cao nhất tháng 3-2020. Sông Vàm Cỏ Tây có phạm vi ảnh hưởng từ 125-130km, sâu hơn từ 20-30km so với mức cao nhất tháng 3-2020. Trên sông Hậu, phạm vi ảnh hưởng từ 42-47km, thấp hơn từ 3-8km so với mức cao nhất tháng 3-2020. Sông Cái Lớn có phạm vi ảnh hưởng từ 60-65km, cao hơn từ 1-6km so với mức cao nhất tháng 3-2020…

Những thông tin về xâm nhập mặn khiến nhiều nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Văn Đương, ngụ tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho hay: “Ngay trong dịp Tết vừa qua, nông dân chúng tôi đã phải lo đưa nước ngọt vào ruộng và các mương ao quanh nhà. Tuy nhiên, sức người, sức chứa có hạn, không biết có đủ nước để tưới và sinh hoạt trong mùa khô năm nay hay không?”. Còn ông Nguyễn Ngọc Nhân (chuyên trồng cây ăn quả tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) lo lắng: “Chỉ cần nước nhiễm mặn chút xíu thôi, năng suất cây chôm chôm sẽ bị ảnh hưởng”.

Dự báo những ảnh hưởng có thể xảy ra do đợt xâm nhập mặn cuối tháng 2-2021, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn có thể tác động đến khoảng 35.800ha, tương đương 2,3% diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Rủi ro cho cây ăn quả sẽ xảy ra ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Về nước sinh hoạt, sẽ có khoảng 80.700 hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn.

Triển khai nhiều biện pháp ứng phó

Dự báo sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm 2021, các địa phương và các bộ, ngành trung ương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Tại tỉnh Tiền Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trịnh Công Minh cho biết, tỉnh đã cho xây dựng đập thép ngăn mặn, tích trữ nước ngọt trên tuyến kênh Xáng Long Định và 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35. Các con đập bảo đảm nước tưới cho 128.250ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước cấp thêm cho 3 nhà máy nước sinh hoạt phục vụ khoảng 1,1 triệu dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, chính quyền đã khuyến cáo người dân tăng cường tích trữ nước ngọt. Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nhiều nhà vườn đã đào sâu, tôn cao bờ ao, lót bạt nhựa để tích trữ được nhiều nước ngọt hơn. Toàn huyện có khoảng 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện có hơn 50% hộ dân quy hoạch lại vườn, trữ nước trên 10-20% diện tích đất, đủ dùng suốt mùa khô”.

Để tránh hạn mặn, ngay từ tháng 11-2020, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống sớm trên hơn 1,5 triệu héc ta/1,63 triệu héc ta lúa vụ đông xuân 2020-2021. Đến đầu tháng 2-2021, nhiều tỉnh nhiễm mặn như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã thu hoạch hơn 200.000ha, sẽ tiếp tục thu hoạch 400.000ha lúa trong tháng 2 và thu hoạch hết trong tháng 3-2021. Năng suất lúa ước đạt 69,31 tạ/ha, tăng 0,96 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2020. Ông Lê Văn Long, nông dân ở xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi: “Tôi vừa thu hoạch 3.000m2 lúa đặc sản ST25 vụ đông xuân. Nhờ xuống giống sớm mà tôi vừa né được hạn mặn, vừa có lúa bán với giá cao”.

Đặc biệt, ngay từ đầu tháng 2-2021, cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã vận hành ngăn mặn, sớm hơn 10 tháng so với kế hoạch, tác động tích cực đến vùng sản xuất nông nghiệp rộng hơn 20.000ha của tỉnh. Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan thông tin: Dự án cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng sẽ được vận hành từ cuối năm 2021, vượt tiến độ hơn 6 tháng. Dự án giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho gần 385.000ha đất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Dự án này kết hợp tuyến đê biển phía tây sẽ tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó với hạn mặn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.