Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9

Hiền Chi| 02/09/2011 07:04

(HNM) - Bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa) là một trong hai người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Người cùng kéo cờ với bà Lê Thi là bà Đàm Thị Loan (vợ cố Đại tướng Hoàng Văn Thái), người dân tộc Tày ở Cao Bằng.


Năm nay bà Lê Thi đã 85 tuổi và còn rất minh mẫn. Là người con gái gốc Hà Nội, sinh ra trong một gia đình gia giáo (bố là cố Giáo sư Dương Quảng Hàm), lại sớm giác ngộ cách mạng, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, bà Lê Thi lại bồi hồi xúc động.

Khi vinh dự được giao nhiệm vụ kéo cờ trong ngày trọng đại đó, bà Thi mới 19 tuổi, cũng là lần đầu tiên bà được nhìn thấy Bác Hồ. Ấn tượng bất ngờ trước một vị lãnh tụ vĩ đại, có cách thuyết trình bậc thầy mà trang phục lại vô cùng giản dị đã khiến bà rơi nước mắt. Sau đó, bà Thi tình nguyện nhập ngũ tại Trung đoàn Thủ đô, tham gia kháng chiến trong đội Cảm tử quân bảo vệ Hà Nội; rồi được điều động hoạt động bí mật, vận động phụ nữ ở khu Hoàn Kiếm (Hà Nội), nông dân các tỉnh Phúc Yên, Tuyên Quang… trở thành hậu phương vững chắc phục vụ cách mạng. Hòa bình lập lại, bà Lê Thi được cử đi học khóa đầu tiên Trường Lý luận cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), rồi bà ở lại trường và bắt đầu công việc nghiên cứu. Từ năm 1961 đến năm 1987, bà làm Viện trưởng Viện Triết học; rồi từ năm 1987 đến năm 1997, bà là Giám đốc Trung tâm Gia đình và Giới (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Bà được Nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1991.

Đau đáu một niềm trăn trở về vấn đề bình đẳng nam nữ, cũng như lĩnh vực hôn nhân, gia đình, bà đã cùng các cán bộ của trung tâm nghiên cứu và bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học, tổ chức các chương trình thu hút được đông đảo chị em tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, bà đã có hơn 10 đầu sách nghiên cứu về gia đình và giới; ngoài ra, bà còn là chủ biên của nhiều cuốn sách khác. Trong thời gian công tác tại Trung tâm Gia đình và Giới, bà được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba.

Với truyền thống nền nếp gia đình, cùng với kinh nghiệm đúc rút qua những năm tháng nghiên cứu về gia đình và giới, bà là người vợ đảm và người bà, người mẹ mẫu mực. Hai người con (một trai, một gái) của bà đều được rèn từ nhỏ, sống nền nếp, tiết kiệm và luôn biết yêu thương, chia sẻ và thông cảm với người bạn đời của mình. Giờ đây, các con, các cháu đã trưởng thành, hai ông bà đã ở độ tuổi nghỉ ngơi nhưng hằng ngày, ông bà vẫn duy trì đều đặn việc đọc sách, báo, xem thời sự để cập nhật thông tin. Bà cần mẫn cắt và lưu giữ những bài báo có thông tin bổ ích và thường xuyên cộng tác với nhiều tạp chí của Viện Gia đình xã hội Việt Nam. Cuối năm nay, một cuốn sách nghiên cứu nữa về bình đẳng giới của bà sẽ được xuất bản.

Nếp sống và những đóng góp cho xã hội của người con đất Hà thành - nữ nhân vật lịch sử năm xưa thật bình dị mà ý nghĩa!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.