Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới quy chế làm việc: Động lực thúc đẩy chất lượng công tác

Võ Lâm| 02/07/2019 07:45

(HNM) - Nhờ đổi mới trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, thành phố Hà Nội đã siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị. Đây là một nội dung thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng và mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, các cấp ủy Đảng thành phố vẫn tiếp tục quan tâm, tập trung làm tốt hơn nữa.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đổi mới quy chế làm việc theo hướng gần dân, sát dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Trong ảnh: Một buổi đối thoại giữa người dân với chính quyền quận Cầu Giấy. Ảnh: Hồng khanh

Nghiêm túc từ trên

Chánh Văn phòng Thành ủy Nguyễn Văn Tứ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy Hà Nội đã hai lần sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVI. Không phải do nội dung quy chế ban đầu không bảo đảm, mà trong quá trình thực hiện, Thành ủy thường xuyên rà soát, đối chiếu với các quy định mới của Trung ương và thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo; từ đó kịp thời phát hiện những quy định còn chưa chặt chẽ để sửa đổi, bổ sung, cập nhật. Nhờ đó, quy chế làm việc luôn bảo đảm rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và rõ mối quan hệ công tác của tập thể và cá nhân.

Cũng với tinh thần này, tại Hội nghị lần thứ 19 diễn ra hôm nay (ngày 2-7), Thành ủy tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVI bảo đảm phù hợp với quy định mới của Trung ương, theo hướng cụ thể, thiết thực. Theo dõi Hà Nội nhiều năm qua, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Viết Lưu nhận định, một trong những ấn tượng nổi bật về đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy Hà Nội chính là tập trung hoàn thiện, đổi mới quy chế làm việc.

Bên cạnh đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành kịp thời các quy chế, quy định nhằm quy trình hóa, cụ thể hóa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm khoa học và chất lượng, như: “Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố”; “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”... Những nội dung này cũng góp phần thiết thực đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đi vào cuộc sống.

Thành ủy Hà Nội cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy chế làm việc bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Kết quả là, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đổi mới ban hành quy chế làm việc theo hướng tăng trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các nhiệm vụ. Đảng đoàn HĐND thành phố ban hành quy chế làm việc với tinh thần tăng cường trách nhiệm từ Thường trực đến các ban của HĐND, đẩy mạnh hoạt động giám sát, khảo sát hướng mạnh về cơ sở...

Lan tỏa sâu rộng

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc theo hướng đổi mới, thiết thực đã lan tỏa xuống cấp xã, phường, thị trấn. Là đơn vị tiêu biểu của huyện Thạch Thất, Đảng ủy xã Đại Đồng tập trung phát huy sự chủ động của các đồng chí đảng ủy viên, Thường trực Đảng ủy trong việc tham mưu, cụ thể hóa nhiệm vụ ngay từ đầu năm bằng kế hoạch công tác theo từng lĩnh vực được phân công...

Trong khi đó, tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), ngay khi được luân chuyển về đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Lê Thùy Linh đã bắt tay ngay vào rà soát, xây dựng quy chế làm việc. Xã tập trung đổi mới theo hướng tăng cường trách nhiệm của từng vị trí công tác. Khi triển khai các nhiệm vụ, cán bộ phải bám sát địa bàn dân cư, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong cộng đồng. Nhờ đó, xã từng bước giải quyết thành công những vấn đề phức tạp, nhất là vi phạm trật tự xây dựng. Còn tại phường Xuân La (quận Tây Hồ), bên cạnh định hướng phát triển chung, Đảng ủy phường xác định rõ mục tiêu trong từng giai đoạn để tập trung thực hiện, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ cách làm này, tháng 5 vừa qua, phường đã chính thức được công nhận là “Phường văn hóa”.

Tuy nhiên, đổi mới quy chế làm việc vẫn là khâu còn hạn chế ở cấp cơ sở. Một phần vì cán bộ cơ sở còn tình trạng “dễ làm, khó bỏ”. Mặt khác, do cấp ủy cấp trên chưa chú trọng kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc đối với cấp ủy cấp dưới. Đây cũng là vấn đề được Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy lưu ý, đề nghị các cấp ủy phải tăng cường kiểm tra để khắc phục. 

Học tập theo các cơ quan cấp thành phố, nhiều cấp ủy quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành của thành phố đã xác định đổi mới quy chế làm việc là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Hồng Nhật, Huyện ủy sẽ rà soát các quy chế làm việc của địa phương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo chuyển biến mạnh về thái độ, hành vi ứng xử trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong khi đó, với mục tiêu siết chặt kỷ cương, Huyện ủy Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra công vụ. Đây cũng là việc huyện thực hiện tốt thời gian qua, chỉ trong vòng 2 năm, huyện tiến hành gần 100 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó có 17 cuộc kiểm tra đột xuất.

Tại Sở Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Hà Minh Hải cho biết, Sở sẽ tiếp tục đổi mới quy chế làm việc để tăng cường trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong việc rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Nhiều sở, ngành khác như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải cũng đang tập trung đổi mới quy chế làm việc theo hướng này.

Sự gương mẫu của Thành ủy Hà Nội trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc đã và đang tạo chuyển biến mạnh trong cả hệ thống chính trị thành phố, góp phần đưa công tác tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới quy chế làm việc: Động lực thúc đẩy chất lượng công tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.