Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị kỹ để có đội ngũ nhân sự chất lượng

Tiến sĩ Phan Đăng Khoa| 16/07/2019 07:21

(HNM) - Công tác chuẩn bị nhân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của đại hội đảng bộ các cấp. Lựa chọn nhân sự cũng là lựa chọn tương lai của tổ chức Đảng, nên phải đánh giá thật công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc. Cơ cấu quan trọng nhưng tiêu chuẩn phải là chính. Cán bộ cần có cả đức và tài, nhưng đạo đức phải là gốc.

Lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020-2025 do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

1. Thông cáo báo chí kỳ họp 37 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây cho biết, qua kiểm tra, đồng chí Hồ Văn Năm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai trong thời gian giữ cương vị Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong việc giải quyết một số vụ án hình sự. Vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc trong xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên một cán bộ lãnh đạo cấp ủy đã mắc sai phạm từ trước, nhưng không bị phát hiện kịp thời, vẫn được cất nhắc lên vị trí mới cao hơn. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay đã có hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều cán bộ bị xử lý do những sai phạm từ trước khi được bầu, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn.

Thực tế cho thấy, sàng lọc cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là một nội dung trọng tâm được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cụ thể, về tiêu chuẩn cấp ủy viên, bên cạnh các yêu cầu đã được quy định, Bộ Chính trị chỉ rõ: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm”...

Đây là chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, việc thực hiện tốt sẽ quyết định thành công đối với đại hội đảng bộ các cấp. Yêu cầu sàng lọc nhân sự này cũng là sự kế thừa truyền thống lịch sử xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta gần 90 năm qua, là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Đó cũng chính là yêu cầu được Trung ương đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về công tác xây dựng Đảng.

Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được tổ chức trong năm 2020. Thời gian không còn dài và ngay từ bây giờ, mọi công việc chuẩn bị đang được các cấp ủy triển khai. Trong quá trình đó, việc quan tâm, có giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TƯ nói chung và công tác chuẩn bị nhân sự nói riêng là trách nhiệm chính trị của mỗi cấp ủy Đảng.

2. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới hiện nay có nhiều thuận lợi vì cùng với các tiêu chuẩn nêu trong Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Trung ương đã ban hành các nghị quyết, quy định nêu rõ các tiêu chuẩn chung. Đó là Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Căn cứ những văn bản này kết hợp với Chỉ thị số 35-CT/TƯ, cấp ủy các cấp phải cụ thể hóa các tiêu chuẩn nhân sự phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cấp mình.

Công tác nhân sự phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quá trình chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới phải gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng nhiệm vụ của cán bộ là những cơ sở chính yếu để tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự. Bao giờ cũng vậy, bài toán đặt ra với những người tham mưu và quyết định về công tác chuẩn bị nhân sự là làm sao xử lý hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Khi đưa ra quyết định, cần thống nhất xác định tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Lựa chọn mỗi con người phải coi trọng cả đức và tài, nhưng trong đó đức phải là gốc.

Việc sàng lọc cán bộ chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới bắt buộc phải dựa vào công tác đánh giá. Quá trình đánh giá phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín; lấy “thước đo” là kết quả và sản phẩm cụ thể theo nhiệm vụ. Muốn đánh giá chính xác, cơ quan có thẩm quyền phải nắm chắc thông tin, tình hình cán bộ. Đánh giá phải theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, quá trình đánh giá phải thận trọng, tránh để bị tác động, chi phối bởi những thông tin giả có dụng ý xấu... 

Đại hội đảng bộ các cấp là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị kỹ để có đội ngũ nhân sự chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.