Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử chuẩn mực, phục vụ tận tình

Quốc Bình| 03/12/2019 07:24

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã chú trọng xây dựng đạo đức công vụ nhằm đổi mới tác phong, lề lối công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kết quả thực hiện đã giúp đội ngũ thực thi công vụ nâng cao trách nhiệm, ngày càng ứng xử chuẩn mực, phục vụ tận tình hơn.

Cán bộ, công chức coi trọng đạo đức công vụ sẽ được người dân tôn trọng, yêu mến. Ảnh: Thái Hiền

Hiệu quả thiết thực

Chị Nguyễn Đoàn Khánh Chi, công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân luôn chiếm được cảm tình của người dân trên địa bàn bởi tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ tận tình. 10 năm công tác, hằng ngày tiếp xúc với người dân, chị luôn tâm niệm phải thực hiện tốt yêu cầu về đạo đức công vụ: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chính xác, tận tình hướng dẫn khi dân hỏi...

“Nếu cán bộ, công chức ai cũng như chị Chi thì không còn gì phàn nàn mỗi khi đi làm thủ tục hành chính”, ông Lê Xuân Hậu, phường Thanh Xuân Nam đánh giá.

Không chỉ có chị Nguyễn Đoàn Khánh Chi, thời gian qua, đông đảo cán bộ, công chức quận Thanh Xuân đã nỗ lực đổi mới tác phong, lề lối làm việc, góp phần giúp quận giữ vững vị trí số 5 (khối quận, huyện, thị xã) trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội hai năm 2017, 2018.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, nhiều nơi như các quận: Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ; các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Ứng  Hòa, Thanh Trì đã chủ động hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm; từ đó tạo chuyển biến về tinh thần phục vụ nhân dân.

Cùng với các địa phương, các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội cũng tích cực xây dựng và triển khai thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ. Tiêu biểu, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xây dựng chuẩn mực “Trí tuệ - bản lĩnh - khách quan - mẫu mực”; Ban Tổ chức Thành ủy có chuẩn mực “Trung thực - khách quan - công tâm - gương mẫu”; Sở Tư pháp thực hiện chuẩn mực “Nhân ái - bao dung - cẩn trọng - trí tuệ - bản lĩnh”... Ngay cả khối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng có chuyển biến mới.

Trong đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đề ra 5 chuẩn mực đạo đức, quán triệt tới từng nhân viên. “Làm thủ tục giao dịch, thanh toán với ngành Điện giờ khác hẳn, rất thuận tiện và nhanh”, ông Đỗ Quang Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) nói.

Trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền

Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ cấp ủy, chính quyền thành phố. Trong đó, Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thành phố cũng lựa chọn chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” cho hai năm 2018, 2019. Đặc biệt, UBND thành phố ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; ban hành Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính thành phố Hà Nội, hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả”...

Việc thực hiện các nội dung nêu trên gắn với đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đánh giá đảng bộ cấp trên cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát Đảng, thanh tra công vụ; tổ chức giải trình tại HĐND các cấp... đã tạo sức lan tỏa mạnh trong cả hệ thống chính trị thành phố thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, một số nơi còn chậm xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức hoặc có xây dựng, nhưng chưa cụ thể và chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dẫn đến khó thực hiện, khó “định lượng” kết quả... Không ít cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn thể hiện thái độ ứng xử gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng đó, một mặt tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trên, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nội dung mới. Trong đó, Thành ủy Hà Nội vừa chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia thực hiện cuộc vận động “Cán bộ, công chức nói không với tiêu cực”. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 31-7-2019 triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án văn hóa công vụ…

Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn triển khai quyết định nói trên gắn với thực hiện hai quy tắc ứng xử của thành phố. Nhiều địa phương, đơn vị cũng chủ động cụ thể hóa phù hợp với tình hình của mình.

Trong đó, huyện Gia Lâm, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; đặc biệt là thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ và lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đến làm việc, giao dịch.

Xây dựng văn hóa trong các hoạt động của tổ chức Đảng, văn hóa công vụ sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của thành phố trong thời gian tới. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra không chỉ đối với mỗi cấp ủy, chính quyền, mà còn là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử chuẩn mực, phục vụ tận tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.