Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật Nhà ở 2014 tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư

Dạ Khánh| 24/09/2021 14:16

(HNMO) - Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, kể từ khi thực hiện Luật Nhà ở 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước, đã có 2.024 tổ chức, cá nhân nước ngoài (240 tổ chức, 1.784 cá nhân) mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Số lượng nhà ở các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.018 cá nhân, tổ chức), thành phố Hồ Chí Minh (778), Bình Dương (152), Bà Rịa - Vũng Tàu (41), Đà Nẵng (12)...

Người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Ảnh minh họa).

So với trước khi có Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trước năm 2015, chỉ có 126 cá nhân, tổ chức nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Qua đó cho thấy, việc Luật Nhà ở 2014 quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua... đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Về công tác quản lý, theo Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã có văn bản thông báo cho các địa phương hướng dẫn cụ thể việc công bố khu vực được phép cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở (văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19-10-2016 của Bộ Quốc phòng, văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19-4-2017 của Bộ Công an).

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã công khai trên Cổng Thông tin điện tử của địa phương về các dự án cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, bảo đảm minh bạch và theo dõi chặt chẽ số lượng mua nhà ở tại các dự án trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Nhà ở 2014 tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.