Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp thúc đẩy công tác cải tạo chung cư cũ

Dạ Khánh| 12/04/2021 14:39

(HNMO) - Hội thảo "Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" diễn ra sáng 12-4 đã nhận diện khó khăn, tồn tại trong công tác cải tạo chung cư cũ tại Thủ đô thời gian qua và đề xuất, thống nhất các giải pháp để thúc đẩy công tác này giai đoạn tới.

Quang cảnh hội thảo.

Còn nhiều vướng mắc

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đang là thách thức, yêu cầu và là một trong những nhiệm vụ được đề cập trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Thời gian qua, công tác cải tạo chung cư cũ còn chậm.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết: "Đó là các vướng mắc về trình tự thực hiện dự án; quy định 100% chủ sở hữu đồng thuận; quy định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải triển khai theo nguyên tắc toàn khu; quy định khống chế về các chỉ tiêu dân số, chiều cao công trình, mật độ xây dựng...".

Là doanh nghiệp tham gia cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại Thủ đô, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho rằng, ách tắc trong cải tạo chung cư cũ thời gian qua còn do không có những quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

Có 3 đối tượng chính liên quan là: Chủ sở hữu các căn hộ; chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ; các cấp chính quyền từ phường đến thành phố. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của quận, huyện rất mờ nhạt. Về phía chủ đầu tư, đã là doanh nghiệp thì kinh doanh đầu tư phải có hiệu quả, song cư dân thì trăm người trăm ý và luôn muốn bảo vệ quyền lợi cá nhân nên rất khó đạt được sự đồng thuận 100% theo quy định.

Những giải pháp tháo gỡ

Đề xuất các giải pháp thúc đẩy cải tạo chung cư cũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị, bên cạnh sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP (ngày 20-11-2015) về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cần đổi mới cách thức triển khai, coi các dự án cải tạo chung cư là các dự án đặc thù để có phương thức thực hiện rút gọn: Từ quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư đến khâu thực hiện...

Đáng lưu ý, chính sách bồi thường phải xác định rõ hệ số K (cần xác định tối đa, chứ không phải tối thiểu như hiện nay và không để chủ đầu tư đứng ra tự thỏa thuận với chủ sở hữu). Đặc biệt, Hà Nội cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện...

Để giải quyết tổng thể, hài hòa giữa các bên liên quan, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, chính quyền các cấp của Hà Nội phải vào cuộc mạnh hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, chính quyền phải tổ chức kiểm định đánh giá lại toàn bộ các khu chung cư; quyết định hệ số đền bù cho mỗi chung cư và mỗi khu vực; đồng thời, là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, kết hợp tham khảo ý kiến các chủ sở hữu căn hộ...

Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần có Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ của thành phố, trong đó Trưởng ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND thành phố đảm trách, có sự tham gia của các sở, ngành, quận, huyện...

Về các giải pháp quy hoạch kiến trúc, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh đề xuất, để có sự đột phá trong quy hoạch các khu chung cư cũ thời gian tới, việc tổ chức lập quy hoạch cần được nghiên cứu gắn với mô hình đầu tư, biện pháp và phương thức đầu tư, triển khai theo một số nguyên tắc. Cụ thể, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong công tác tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch; thực hiện tổng thể cho toàn khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ, tập hợp chung cư cũ độc lập trên địa bàn; nghiên cứu phương án cải tạo chung cư cũ theo hướng giữ ổn định chỉ tiêu dân số, tái tạo quỹ nhà để sử dụng vào chức năng thương mại, dịch vụ khi tăng chiều cao công trình...

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất một số giải pháp: Kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2015/NĐ-CP đối với quy định tại khoản 3, Điều 110 Luật Nhà ở; nghiên cứu thực hiện phương thức thu gom các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ tại khu vực 4 quận nội đô lịch sử để thực hiện dự án như đối với một khu chung cư cũ, bảo đảm tái định cư tại chỗ trong địa bàn phường, quận...

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... và tổng hợp, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xem xét để triển khai các chính sách liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thúc đẩy công tác cải tạo chung cư cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.