Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem xét thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án

Tiến Thành| 25/05/2020 11:06

(HNMO) - Cần quy định việc thu lệ phí đối với những trường hợp hòa giải, đối thoại cụ thể là ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, diễn ra sáng 25-5 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Được đưa ra trình Quốc hội xem xét lần đầu tiên tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án... Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân...

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tuy nhiên, thảo luận về việc dự thảo Luật quy định không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án đối với các đương sự, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc không thu chi phí hòa giải, đối thoại sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người yếu thế khi có yêu cầu hòa giải, đối thoại, giải quyết được các mâu thuẫn phát sinh trong xã hội. Tuy nhiên, cần quy định việc thu lệ phí đối với các trường hợp hòa giải, đối thoại gồm 3 đối tượng được nêu trong dự thảo Luật, gồm: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại; chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí liên quan đến phiên dịch tiếng nước ngoài.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị xem xét những vụ việc có giá trị hàng hóa hoặc tiền từ 100 triệu đồng trở lên phải thu phí để bù đắp chi phí cho công tác hòa giải, đối thoại.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) nêu vấn đề: Việc chi phí hòa giải, đối thoại do Nhà nước chi trả liệu có làm tăng chi ngân sách? Để khuyến khích các đương sự tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án, đại biểu cho rằng, trước mắt, kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước chi trả, nhưng về lâu dài phải có sự đánh giá, tổng kết đầy đủ tác động để đưa ra quy định các bên tham gia phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại.

Về tiêu chuẩn hòa giải viên là đối tượng ngoài những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu, theo đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), tiêu chuẩn của hòa giải viên là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm hòa giải viên là quá dài, bởi các đối tượng này đã có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn về công tác pháp luật trong ngành tòa án. Đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung đối tượng bổ nhiệm hòa giải viên là các điều tra viên của các cơ quan điều tra, bởi đây cũng là lực lượng được đào tạo bài bản và có nhiều năm làm công tác pháp luật.  

Toàn cảnh phiên họp.

Đối với vấn đề các bên ngay từ đầu có quyền tự do lựa chọn hòa giải viên, đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung quy định thêm thông tin kết quả hoạt động của hòa giải viên để các bên tham gia hòa giải có cơ sở lựa chọn, thay đổi. “Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào khi hai bên tham gia hòa giải đưa ra lựa chọn hòa giải viên khác nhau lại chưa được quy định trong dự thảo luật”, đại biểu nêu ý kiến.

Tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về cơ bản, các đại biểu đồng tình với quan điểm trước mắt chi phí hòa giải, đối thoại sẽ do nhà nước chi trả, ngoại trừ 3 trường hợp nêu trên. Về vấn đề hòa giải viên là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm chất lượng các hoà giải viên đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vụ việc của người dân được tốt hơn…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 17 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận về dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.