Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nguyễn Trung Thông| 26/11/2018 06:50

(HNM) - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó có biểu hiện:


Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” này được thể hiện ở việc “hùa theo” các thế lực thù địch để phản bác, phủ nhận, cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với nền văn minh công nghiệp, còn sang thế kỷ XXI, thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp 4.0, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, bị lịch sử vượt qua; cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với các nước Tây Âu, không thích hợp với các nước như Việt Nam; cho rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu chứng tỏ, chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm. Đồng thời với phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, họ còn xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, phong cách, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Biểu hiện rõ nhất là viết sách báo, sản xuất băng hình nhằm hạ bệ những công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, thậm chí là cả cuộc sống của Người. Họ xuyên tạc, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm và đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước...

Không chỉ vậy, các thế lực thù địch còn phản bác nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật hoặc khi lãnh đạo chiến tranh. Còn trong thời bình, Đảng cầm quyền, nhân dân làm chủ, nguyên tắc này tỏ ra lỗi thời, không còn phù hợp… Đây là biểu hiện sai lầm, bởi trong mọi hoàn cảnh đều phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ khác ở cơ chế vận hành, nội dung, yêu cầu, phương thức lãnh đạo cho phù hợp và linh hoạt.

Ngoài những nội dung trên, gần đây, mạng xã hội đăng tải khá nhiều bài, tin, tranh, ảnh chống phá, phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo”(!); rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”(!). Các thế lực thù địch đòi chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội…

Đáng tiếc là, một số đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác…, thay vì phải đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch… thì lại hùa theo. Có trường hợp đã tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội như: “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” nêu kiến nghị: Đòi bỏ Điều 4, Hiến pháp; Yêu cầu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…

Trong những biểu hiện đó, có những biểu hiện thuộc về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức, thái độ, hành vi đối với nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là từ “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, đến “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây chính là sự dao động về nền tảng tư tưởng, về ý thức hệ của Đảng, từ đó có thể dẫn đến phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cách mạng.

Điều nguy hại là những sự dao động này lại nằm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người có chức, có quyền. Bài học từ sự sụp đổ và tan rã của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cho chúng ta thấy tác hại khôn lường của sự xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng.

Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra nhiệm vụ phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có nhiệm vụ phải kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước.

Luận điệu chống phá ấy nhằm mục đích nhằm làm suy yếu, đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đó là mưu đồ thâm độc, nham hiểm của các thế lực thù địch. Ý đồ lâu dài không thay đổi của họ là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ. Đặc biệt, thông qua việc truyền bá những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Trước thực trạng đó, việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chống đa nguyên, đa đảng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đó, cần làm tốt một số nội dung sau:

Trước tiên phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là đòi hỏi khách quan, yêu cầu có tính nguyên tắc và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp đổi mới, đối với việc hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đó cũng là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ trận địa tư tưởng, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, cần quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TƯ, ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới". Đó là yêu cầu đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện triệt để.

Cùng với đó, để đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ được tính đúng đắn của nguyên tắc tập trung dân chủ cần tiếp tục quán triệt những biện pháp cơ bản, cấp thiết đã được Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII xác định là: Tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn và thống nhất về vai trò, nội dung, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở đó đề cao trách nhiệm, tự giác thực hiện nghiêm túc nguyên tắc. Đồng thời, từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế thực hiện nội dung của nguyên tắc; nâng cao chất lượng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mở rộng sinh hoạt dân chủ; các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định bằng tập thể.

Cuối cùng, để chống lại các luận điệu, âm mưu đòi xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp, đòi đa nguyên, đa đảng…, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Muốn thực hiện được điều đó, một mặt Đảng phải xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, con đường đi lên của đất nước, sự hưng thịnh của dân tộc.

Mặt khác, để có đủ khả năng, điều kiện lãnh đạo đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng về mọi mặt, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm cao trí tuệ, có phương pháp lãnh đạo khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức đoàn kết lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.