Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng “đề kháng” với tin tức giả, bịa đặt

Khánh Thy| 15/04/2019 06:15

(HNM) - “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu”, “thổi phồng mặt trái của xã hội” là biểu hiện nguy hiểm, làm tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Đảng ta chỉ ra.


 Tin giả, hậu quả thật! 

Những ngày đầu tháng 2-2019, lướt qua các trang mạng xã hội, bạn đọc như ngập trong thông tin liên quan đến vụ án giết người tàn độc xảy ra ở tỉnh Điện Biên trong dịp Tết Kỷ Hợi. 9 thủ phạm đã bị bắt, nhưng điều khiến nhiều người bức xúc là những câu chuyện được thêu dệt xung quanh. Vì thế, cùng với quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Điện Biên nhiều lần phải lên tiếng bác bỏ những tin giả khiến gia đình nạn nhân và dư luận bất bình.

Trước đó, cuối tháng 6-2018, một nữ sinh 18 tuổi ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã tự tử vì bị bạn bè ghép ảnh chế giễu trên mạng xã hội Facebook… Hai ví dụ trên cho thấy nếu như trước đây, “miệng đời” là con dao hai lưỡi thì ngày nay bàn phím vô tri cũng có thể giết người. Tần suất tin giả, tin không đúng sự thật, phiến diện một chiều xuất hiện ngày càng nhiều, khiến không ít người đọc có nhìn nhận thiếu tích cực, thậm chí lệch lạc về xã hội, trong khi rất nhiều điều tốt đẹp lại không được nói đến.

Một dạng thông tin cũng hay bị làm giả trên các mạng xã hội có đông người sử dụng như: Facebook, Youtube, Twitter… là những vấn đề liên quan đến cơ quan nhà nước, cá nhân các đồng chí lãnh đạo tiền bối; lãnh đạo Đảng, Nhà nước đương nhiệm. Mới đây, một tài khoản Facebook mạo danh “Ban Tuyên giáo Trung ương” đã đăng những thông tin thất thiệt, với cái gọi là “chỉ đạo” về một vụ việc dâm ô với trẻ em đang trong quá trình điều tra dẫn đến có sự hiểu lầm của dư luận…

Những trang mạng xã hội giả mạo, hoặc được lập ra với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc thường cắt ghép hình ảnh, chi tiết và cài cắm vào đó những thông tin bịa đặt, được cho là “thâm cung, bí sử” để đánh lừa dư luận. Điều đáng lưu tâm là bạn đọc của những trang mạng xã hội dạng này đa phần là thanh niên, trong đó nhiều người còn hạn chế về tri thức, vốn sống và kỹ năng sống nên tin những thông tin đó là sự thật.

Ở không gian mạng, nhất là mạng xã hội, hằng ngày có hàng nghìn tin bịa đặt, tin giả nhằm mục đích trục lợi, ý đồ thiếu trong sáng, thiếu tính xây dựng. Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn BKAV cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Những trang mạng viết về những câu chuyện không đúng sự thật, phiến diện khiến người đọc bất bình lại có lượng người đọc lớn và tăng nhanh. Đáng lo nữa là không ít người đọc tin giả, độc hại trên các trang mạng xã hội, trang tin điện tử coi đó là “đang đọc báo” nên đã thoải mái bình luận, thậm chí chia sẻ thông tin với người khác để “thể hiện” mình biết nhiều, hiểu nhiều và có nhiều thông tin “mật”… hơn người khác.

Có thực tế khác đáng buồn là việc một số không nhỏ người làm báo, cơ quan báo chí, nhất là các trang tin điện tử của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề mượn danh cơ quan báo chí do chạy theo việc “đếm view”, thông tin giật gân, câu khách đã cắt ghép thông tin có chủ đích, sử dụng nguồn tin thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội, xa rời tôn chỉ mục đích so với giấy phép được cấp, dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch. Mới đây nhất là việc ngày 22-2-2019, Báo điện tử Người tiêu dùng bị rút giấy phép hoạt động 3 tháng, phạt hành chính 65 triệu đồng và phải cải chính, xin lỗi đối với thông tin sai sự thật…

Trước đó, năm 2018, đã có tới 26 cơ quan báo chí bị xử phạt hành chính, 1 báo điện tử bị đình bản tạm thời với lỗi chủ yếu là thông tin sai sự thật. Rõ ràng, con số này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận người làm báo, cũng như việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng nghề báo cao quý để làm ăn phi pháp của một số tổ chức, cá nhân.

Trách nhiệm nêu gương của đảng viên

Hiến pháp Việt Nam hiện hành đề cao quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân và những quyền này được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, các quyền nói trên đang bị các thế lực phản động, một số phần tử bất mãn chính trị tận dụng triệt để chống phá, gây chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, pháp luật nước ta đã có các quy định nghiêm ngặt đối với hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức. Để làm thất bại các âm mưu của thế lực thù địch, tạo sức “đề kháng” của xã hội đối với tin tức giả mạo, bịa đặt thì vai trò định hướng, nêu gương của đội ngũ đảng viên là rất quan trọng.

Trước hết, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, khi dùng mạng xã hội phải nhận diện cho được tính hai mặt của nó, nhất là mặt tiêu cực, tránh vô tình tiếp tay cho các hoạt động tung tin chống phá, thậm chí có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ tuân thủ đúng pháp luật, đề cao trách nhiệm công dân mà phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu trong việc nghe - đọc - xem những thông tin trên mạng xã hội; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng nghĩ trái, nói trái, làm trái nền tảng tư tưởng, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Khi tiếp nhận những thông tin tiêu cực cần chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để đối chiếu, so sánh.

Từ đó phân tích, tuyên truyền để người dùng mạng xã hội hiểu đúng vấn đề, tham gia xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng internet (không đăng ảnh trẻ em, người thứ ba… khi không được phép); không chạy theo, chia sẻ (share) cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không tham gia bình luận (comment) với những chủ đề mình không hiểu biết hoặc nguồn tin phát ra từ những tổ chức, cá nhân thiếu sự kiểm chứng. Khi thấy người thân, quần chúng bàn tán về những thông tin giả, không chính xác, thông tin độc hại cần chủ động cung cấp thông tin chính thống, phân tích để quần chúng có cái nhìn đa chiều, hiểu rõ sự thật vấn đề và những âm mưu phía sau của người tung tin.

Cùng với đó, để đẩy lùi các thông tin giả, thông tin xấu, độc hại, các cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định; ban hành và thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn; ban hành những quy chuẩn nhằm xử lý khủng hoảng truyền thông (nếu có) và định kỳ tổ chức họp báo nhằm thông báo tình hình hoạt động tới các cơ quan báo chí. Việc này sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng viết báo “sa lông”, ngồi phòng máy lạnh “cào bàn phím”, nhào nặn thông tin từ mạng xã hội, vốn là căn nguyên phát sinh tình trạng thông tin không chính xác.

Đặc biệt, trong “thế giới phẳng” hiện nay, người làm báo, nhất là đảng viên - nhà báo không được cho phép mình “viết báo một đằng, đăng mạng xã hội một nẻo” mà cần tuân thủ nghiêm, gương mẫu thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (do Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 28-12-2018), trong đó quy định rõ 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần làm trong sạch trận địa thông tin; phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ những người làm báo hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng “đề kháng” với tin tức giả, bịa đặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.