Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng ngừa, kiên quyết tẩy trừ cán bộ, đảng viên tha hóa đạo đức, lối sống

Đan Nhiễm| 10/06/2019 06:16

(HNM) - Tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ở những người giữ cương vị lãnh đạo quản lý quan trọng sẽ gây tác hại lớn, trực tiếp làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng ta.


Con sâu làm rầu nồi canh!

Theo Từ điển tiếng Việt, “tha hóa” được hiểu theo nghĩa “con người biến chất thành xấu đi”. Với ý nghĩa đó, tha hóa trong lối sống có thể hiểu là một cá nhân nào đó có lối sống không phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội, rất đáng bị lên án.

Đáng tiếc rằng, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã liên tục có thông báo kỷ luật một số đảng viên có hành vi tha hóa đạo đức, lối sống. Điều đó cho thấy, nếu không quyết liệt ngăn chặn thì những “con sâu” này sẽ không chỉ làm "rầu" mà sẽ làm hỏng “nồi canh” - khiến niềm tin vào tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước suy giảm.

Tại kỳ họp thứ 36 diễn ra từ ngày 29 đến 31-5 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Huỳnh Quang Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính vì đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ Tài chính.

Trước đó, ngày 14-5-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng của đồng chí Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Lý do là trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, dù đã có vợ, đồng chí Nguyễn Bá Cảnh vẫn sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng, vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống…

Những vụ việc trên thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận cán bộ có biểu hiện biến chất, sa ngã, có lối sống buông thả. Trên thực tế, những hành vi tha hóa lối sống còn biểu hiện ở nhiều mức độ khác, như: Công chức, viên chức bớt xén giờ làm việc để xử lý việc cá nhân; nhậu nhẹt say xỉn; phát ngôn bừa bãi… Tất cả đều phải được chấn chỉnh kịp thời, bởi hành vi nhỏ bị xem nhẹ, bỏ qua rất dễ dẫn đến những tha hóa phức tạp về sau.

Phải “tự soi, tự sửa” và biết xấu hổ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cả trong suy nghĩ và hành động. Người luôn coi đức tính giản dị là chân lý cuộc sống. Người sớm nhận rõ sự tha hóa lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng ở mức nào. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người một lần nữa căn dặn cán bộ, đảng viên phải thực hiện và là tấm gương hành động “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để nhân dân trông vào.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống sự tha hóa về lối sống, suy thoái đạo đức của đội ngũ đảng viên. Nhân dân, đảng viên ủng hộ mạnh mẽ điều này, bởi sự tha hóa về nhân cách sẽ dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật, trái luân thường đạo lý, thậm chí gây tội ác cho xã hội.

Do đó, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa đạo đức, lối sống cũng đồng thời là phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Để công cuộc này có kết quả tích cực cần thực hiện đồng thời các giải pháp sau.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ cơ sở tới trung ương cần gương mẫu tự giáo dục, “tự soi, tự sửa”, tự khép mình vào kỷ luật một cách toàn diện và triệt để, tự biết xấu hổ khi sống trái đạo lý làm người. Người xưa đã nói: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Đó là liêm sỉ và cũng là lẽ tối thiểu ở đời.

Sự suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống có nguy cơ dẫn tới sự tha hóa về chính trị, do đó Đảng cần tiên phong trong hành động và kiên quyết xử lý những cá nhân vi phạm. Hơn lúc nào hết, phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Xử lý kịp thời, nghiêm khắc những người giữ chức vụ trong Đảng vi phạm kỷ luật theo phương châm “quốc pháp vô thân” để làm gương đối với các cán bộ, đảng viên. Ở đây, trực tiếp là đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt định kỳ và bất thường trong toàn hệ thống chính trị nhằm quản lý chặt chẽ từng cán bộ, mọi đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú…

Tiếp đến là cần đẩy mạnh, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát cán bộ, đảng viên. Bởi không ở đâu nắm rõ về đồng chí, đồng nghiệp của mình bằng chính những người gắn bó với công việc của chính cán bộ, đảng viên đó. Từ những sự việc đáng buồn liên quan đến lối sống của Trịnh Xuân Thanh, Huỳnh Quang Hải, Nguyễn Bá Cảnh… cho thấy, khi vai trò của chi bộ, đoàn thể cơ sở bị tê liệt, không phát hiện được vi phạm từ trứng nước, rất dễ dẫn tới đảng viên của mình trượt dài, sa ngã và cuối cùng là vướng vào lao lý.

Bởi vậy, cần có cơ chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, Ban Cán sự đảng hoặc đảng đoàn với ban lãnh đạo cơ quan chức năng trong việc phát huy dân chủ, công khai các vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên là điều kiện tiên quyết.

Kinh nghiệm xử lý những vụ cán bộ tha hóa về đạo đức, lối sống cho thấy, không có sự giám sát công khai và minh bạch của nhân dân, sự ủng hộ và phản biện của công luận trên nền tảng sự giúp đỡ của nhân dân sẽ không có dân chủ đầy đủ và càng không có sức mạnh tổng thể trong ngăn ngừa “tự suy thoái”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Do đó, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân và báo chí tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và đoàn thể một cách thực chất hơn, trước hết là trong giám sát đảng viên, cán bộ ở mọi lúc mọi nơi. Nếu buông lỏng, lơ là việc này thì công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) sẽ khó thành công.

Hiện nay, trước những tác động tiêu cực của quá trình mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, càng đòi hỏi người đảng viên phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để có đủ nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống đời thường. Sự tha hóa về lối sống sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, làm sụt giảm uy tín của Đảng và đội ngũ đảng viên trước quần chúng nhân dân.

Vì vậy, cần phải bình tĩnh ngăn chặn, chủ động phòng ngừa, kiên quyết tẩy trừ những thói hư tật xấu đang hiện diện trong đảng viên, để Đảng luôn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa, kiên quyết tẩy trừ cán bộ, đảng viên tha hóa đạo đức, lối sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.