Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Đức Tâm| 01/07/2019 06:29

(HNM) - Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng; quyết liệt chống tham nhũng, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân...


1. Thuật ngữ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” được nhắc đến lần đầu tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, xuất phát từ các sự việc tiêu cực xảy ra trên cả nước. Chủ thể gây hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” là những cán bộ có chức quyền trong bộ máy nhà nước ký các quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, phê duyệt dự án một cách vội vã ngay trước khi rời nhiệm sở.

Có thể kể những vụ việc điển hình của hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” từng xảy ra. Đó là việc Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ký hàng loạt quyết định đề bạt, bổ nhiệm từ cấp cục trưởng, cục phó, giám đốc trung tâm, rồi cán bộ cấp phòng trước lúc nghỉ hưu. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình tự ý tuyển dụng 3.721 cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động vào làm việc tại các cơ sở y tế, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Thanh Hóa.

Đó là việc khi chuẩn bị nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; rồi điều động tới công tác tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Sabeco. Đó còn là các vụ việc bố trí cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài học tập kinh nghiệm bằng ngân sách hoặc do doanh nghiệp đài thọ...

Hậu quả của “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” là gây thất thoát tài sản công, lãng phí thời gian, nhân lực và chất xám. Nó là nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, kéo bè kết phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chủ nghĩa cá nhân, tăng vụ lợi dẫn đến tham nhũng, lãng phí… Nhiều cơ quan, đơn vị phải mất rất nhiều công sức, thời gian để khắc phục những hậu quả này.

Từ thực trạng ấy, thời gian qua, với quyết tâm chính trị rất cao, ngoài xử lý kỷ luật, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định có tính chiến lược nhưng hết sức chặt chẽ, nhằm ngăn ngừa, “bịt” những kẽ hở trong công tác lãnh đạo, quản lý, không để chủ nghĩa cá nhân lộng hành, không cho tình trạng này có cơ hội phát tác.

2. Qua nghiên cứu các văn bản của Đảng dễ nhận thấy rằng, không phải đến khi có dư luận về hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì Đảng mới ban hành các văn bản ngăn chặn. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định để chặn cái xấu, tiêu cực phát sinh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ví như ngày 1-11-2011, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TƯ về “Những điều đảng viên không được làm”. Tiếp đó, ngày 15-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTƯ về thực hiện Quy định số 47-QĐ/TƯ.

So với Hướng dẫn số 12-HD/UBKTTƯ, ngày 7-4-2008 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đây, Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTƯ có nhiều điểm mới, nổi bật là các điều: 8, 9, 10, 11 và 12 đã quy định rất rõ, rất cụ thể việc cán bộ, đảng viên có chức có quyền không được giúp người nhà, người thân, vợ con... đạt các mục đích trái với các quy định của pháp luật cả trong bổ nhiệm đến thực hiện các dự án và nhiều lĩnh vực khác.

Sau Đại hội XII của Đảng, ngày 30-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của toàn xã hội vì đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Sau khi được triển khai sâu rộng, nghị quyết này được ví như “bức tường thành” vững chắc, kịp thời ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền.

Đến ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TƯ, về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và để thực hiện Quy định số 101-QĐ/TƯ, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp đã ban hành trước đây. Để tăng hiệu quả của kỷ luật Đảng, ngày 15-11-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TƯ về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Tại Điểm 2, Điều 1 trong quy định này khẳng định: “Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong quy định này”…

Đến ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 08-QĐi/TƯ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đây được xem là một giải pháp quan trọng nâng tầm nêu gương, thúc đẩy quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của cán bộ, đảng viên ngày càng hiệu quả hơn; góp phần phòng, chống tham nhũng trong bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương.

Ngoài ra, những “lỗ hổng” về quy định, quy trình công tác cán bộ đã được đẩy mạnh thực hiện. Nổi bật là quy định chặt chẽ về công tác quy hoạch cán bộ với 4 bước và mỗi năm chỉ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch một lần.

Ngoài ra là triển khai thực hiện quy trình 5 bước trong bổ nhiệm cán bộ đã giúp bảo đảm chặt chẽ, công khai, phát huy dân chủ, ngăn chặn hiệu quả việc bổ nhiệm sai, để lọt những cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.

Hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các tổ chức Đảng đang tiến hành rà soát, lựa chọn, điều động, bổ nhiệm nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Đây là nhiệm vụ mới hết sức quan trọng và là “thời cơ” để những cán bộ, đảng viên có chức quyền nhưng thiếu bản lĩnh chính trị “vung tay quá trán”, làm liều để hưởng lợi.

Thế nên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định đã có, việc tổ chức rà soát nhân sự cho nhiệm kỳ tới phải được tiến hành dân chủ, khách quan, công bằng với mục tiêu là chọn được cán bộ hội đủ tâm, tài, trí, đức, có tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Đây là biện pháp căn cơ nhất để không cho căn bệnh “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” có điều kiện phát tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.