Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không mắc mưu luận điệu cho rằng phòng, chống tham nhũng là để “xoa dịu dư luận”

Đức Tâm| 05/08/2019 06:46

(HNM) - Ngay sau phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng tổ chức cuối tháng 7-2019, một số phần tử chống đối, bất mãn chính trị “phát biểu” văng mạng trên báo, đài nước ngoài, mạng xã hội, cho rằng: Phòng, chống tham nhũng là để “xoa dịu dư luận”, là cớ để các phe, nhóm “đấu đá” quyền lực. Để không mắc mưu, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nắm chắc thông tin, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; giải thích cho nhân dân hiểu rõ bản chất của vấn đề.

1. Xưa nay, xã hội không lạ gì những đối tượng ra sức chống phá Đảng và Nhà nước chỉ nhằm một mục tiêu là hướng lái Việt Nam từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng ta. Trong khi Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì luận điệu của những đối tượng này vẫn vậy.

Một giảng viên đại học nghỉ hưu đã trả lời phỏng vấn Đài RFA ngày 29-7 rằng, việc Đảng xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên như hiện nay chỉ là bề nổi, nhằm mục đích “xoa dịu dư luận”. Ông này phân tích, các quan chức “coi trời bằng vung” có ở khắp Việt Nam nên việc xử lý của Đảng chỉ như muối bỏ biển và mang tính đấu đá phe nhóm, nhằm chiếm quyền, đoạt ghế.

Ngoài ra, ông ta “dẫn chứng” về biểu hiện “tư bản thân hữu” thông qua việc một số chủ doanh nghiệp vênh vang, đe dọa người tố cáo những biểu hiện vi phạm pháp luật.

Đối tượng này lấy ngay trường hợp lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Đất Lành Vũ Anh Cường có hành vi sàm sỡ hành khách nữ trên máy bay làm ví dụ, dù không đưa ra được căn cứ chứng minh người này có mối quan hệ thân thiết với cán bộ nào. Hay nhân việc bị can Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam) tử vong trong khi bị tạm giam, các đối tượng xấu lại tung tin và đặt điều vu khống là do phe cánh đấu đá nên phải “giết người diệt khẩu”...

Một nhân vật tự xưng là “nhà báo tự do” đang sống ở Khánh Hòa thì khẳng định với RFA rằng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước thì tham nhũng, xấu xa, hư hỏng về đạo đức của “quan cách mạng” vẫn còn dài dài và việc làm của Đảng ta thời gian qua cũng chỉ như “dã tràng xe cát Biển Đông”…

Có thể nói, tất cả những bình luận, quan điểm mà các phần tử chống đối, bất mãn chính trị đưa ra khi trả lời báo, đài nước ngoài, viết trên mạng xã hội… đều thiếu chứng lý thuyết phục, mang tính quy chụp, cố tình không thấy hết những nỗ lực của toàn Đảng trong công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm”.

Trong các thông tin đưa ra, các đối tượng này luôn lộng ngôn: Việt Nam muốn tiến lên, nhân dân muốn có cuộc sống giàu có thì phải mở rộng dân chủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và tam quyền phân lập...

Thủ đoạn đó cũng chẳng có gì mới và đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn…

2. Thực tế cho thấy, việc phòng, chống tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới, bởi tham nhũng là “con đẻ quái thai” của bất kỳ chế độ và nhà nước nào. Ngay như Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), nơi những “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do” tự phong bất mãn trong nước rất sủng ái cũng xảy ra rất nhiều vụ tham nhũng.

Gần đây nhất, các cơ quan chức trách Mỹ đã điều tra, phát hiện Glenn Francis, chủ Công ty Glenn Defense Marine Asia hối lộ lực lượng hải quân nước này với số tiền lớn trong thời gian dài. Trong đó, cựu chỉ huy Troy Amundson, người nắm quyền kiểm soát các cuộc tập trận của hải quân Mỹ từ tháng 5-2005 tới tháng 5-2013 đã thừa nhận việc nhận tiền hối lộ và phải đối diện với mức án 5 năm tù.

Hay theo báo cáo về tham nhũng của đảng Xanh châu Âu vào cuối năm 2018, các quốc gia thành viên EU mất tới 900 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD) mỗi năm vì tham nhũng. Trước đó, vào năm 2014, EU xác định tham nhũng gây thiệt hại khoảng 120 tỷ euro mỗi năm…

Như đã biết, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta đã có chủ trương xử lý thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị và quy định. Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và đã sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cùng nhiều văn bản liên quan khác.

Từ sau Đại hội XII tới nay, với chủ trương xử lý tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; cuộc chiến phòng, chống tham nhũng đã thu được kết quả tốt, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII tới nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ngoài ra, có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Không ít những người này bị kỷ luật do có liên quan đến tham nhũng và con số này chắc chắn chưa phải là kết quả cuối cùng…

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (tháng 6-2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng khẳng định: Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn; có lý, có tình, thể hiện rõ quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”... Việc nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và nhiều nguyên lãnh đạo cấp cao khác bị kỷ luật cho thấy quyết tâm và tính hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, là tham lam, là trộm cướp”. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng”.

Như vậy, mấu chốt của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân phát tác và hệ thống pháp luật kiểm soát quyền lực chưa tốt. Đó là hành vi phản đạo đức, đi ngược lại bản chất của chế độ chính trị chứ không phải do thể chế chính trị sinh ra. Muốn có một bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh như nghị quyết Đảng gần đây đã xác định thì việc quyết liệt phòng, chống tham nhũng là đương nhiên, không phải bàn cãi.

Ở Việt Nam hiện nay, phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thực sự chứ không phải là chiêu trò “xoa dịu dư luận” hoặc đấu đá phe nhóm quyền lực như những đối tượng bị “ngáo” bởi tư tưởng dân chủ phương Tây vẫn huyễn hoặc, lừa bịp dư luận.

Rõ ràng, đây là những âm mưu thâm độc, nguy hiểm với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần phải đề cao cảnh giác, nhận diện, kiên quyết đấu tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không mắc mưu luận điệu cho rằng phòng, chống tham nhũng là để “xoa dịu dư luận”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.