Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ, đảng viên cần hiểu đúng về nợ công

Theo HỒ QUANG PHƯƠNG/QĐND| 24/10/2019 09:07

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, dự báo trong năm 2019 sẽ tăng trưởng vượt mức 6,8%, vào tốp 20 nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng GDP của toàn cầu. Thế nhưng, vẫn có những thông tin không khách quan, xuyên tạc, thổi phồng về nguy cơ nợ công của nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên cần nhìn nhận đúng vấn đề, từ đó tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, tránh nhận thức lệch lạc, sai trái.

Nợ công đang trong tầm kiểm soát

Nợ công của Việt Nam vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Theo đó, thu NSNN 9 tháng đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ước thực hiện thu cả năm 2019 vượt 3,3%, khoảng 46.000 tỷ đồng so với dự toán. Thu ngân sách trung ương là năm thứ hai liên tiếp vượt dự toán. 

Về cân đối ngân sách, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, bội chi ngân sách năm 2019 khoảng 3,4% GDP. Nợ công là 56,1% GDP, nợ Chính phủ 49,2% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 48,5% GDP. Như vậy, với quy mô GDP năm 2019 khoảng 6,2 triệu tỷ đồng (266,5 tỷ USD) thì quy mô nợ công tương ứng 3,48 triệu tỷ đồng. 

Hiện nay, trên thế giới, các nghiên cứu về bền vững nợ tuy không chỉ ra ngưỡng nợ nào là an toàn, áp dụng chung cho tất cả các nước nhưng có sự đồng thuận chung rằng, mức nợ công cao đến hơn 100% tổng sản phẩm nội địa (GDP) được coi là mức đáng báo động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, cũng có những nước nợ công rất cao, ví dụ như Nhật Bản, mặc dù là nền kinh tế trong tốp đầu thế giới, dự trữ ngoại hối dồi dào, có hoạt động cho vay, cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn trên toàn cầu, thị trường vốn trong nước rất phát triển, nhưng mức nợ công cao nhất thế giới (hơn 179% GDP), nền kinh tế nước này tiềm ẩn rủi ro.

Bất kỳ nền kinh tế nào cũng có nhu cầu vay nợ để phát triển. Nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu vay nợ càng lớn. Theo báo cáo tháng 2-2019, Mỹ đang có số nợ kỷ lục là 22.021 tỷ USD, bội chi ngân sách trong năm tài khóa 2018 của Mỹ là 779 tỷ USD.

Tuy nhiên, khả năng vay nợ được cũng chính là thể hiện sức hút và mức độ tín nhiệm của nền kinh tế. Với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Việt Nam thì nhu cầu vay nợ để bảo đảm các nhu cầu cân đối tài chính, có nguồn lực để thúc đẩy phát triển là vô cùng cần thiết.

Tính bền vững của nợ công không chỉ phụ thuộc vào mức độ nợ của một quốc gia mà còn phụ thuộc vào khả năng tiếp tục vay nợ của quốc gia, trong đó mức tín nhiệm quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng để các nhà đầu tư có lòng tin đối với quốc gia vay nợ, tránh được khủng hoảng về tính thanh khoản.

Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tăng

Qua các đợt đánh giá bền vững nợ hằng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá cao việc triển khai hiệu quả cam kết củng cố tài khóa và biện pháp tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ nợ công của Chính phủ Việt Nam.

Các tổ chức này đánh giá, nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam hiện ở mức bền vững. Yếu tố này cũng góp phần quan trọng để các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian gần đây.          

Cụ thể, ngày 5-4-2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức BB- lên mức BB, triển vọng "Ổn định". Đây là lần đầu tiên tổ chức này cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam kể từ tháng 12-2010.

Theo nhận định của S&P, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế vĩ mô vững chắc trong thời gian dài phản ánh cải thiện rõ rệt về nền tảng thể chế của Việt Nam. S&P dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ được duy trì trong thời gian tới, góp phần cải thiện hồ sơ tín dụng của nước ta. Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, phản ánh môi trường hoạch định chính sách của nước ta dần được cải thiện.

Theo đánh giá của hãng xếp hạng này, nhìn chung, các chỉ tiêu kinh tế đối ngoại của Việt Nam được đánh giá tích cực. Quy mô nợ nước ngoài của Việt Nam được cải thiện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý nợ công những năm gần đây đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định vĩ mô và tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia.

Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn vay với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước. Việc kiểm soát hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu về nợ nằm trong giới hạn cho phép; với chủ trương thực thi chính sách tài khóa thận trọng, tốc độ tăng quy mô nợ công đã giảm từ mức 18,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,2%/năm trong giai đoạn 2016-2018; nợ công so với GDP giảm từ mức 63,7% vào năm 2016 xuống còn 56,1% hiện nay. 

Trên cơ sở dự báo tình hình thực hiện vay, trả nợ và các hạn mức nợ, Chính phủ cho rằng đến cuối năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục xu hướng giảm. Chính phủ dự báo đến cuối năm 2020 nợ công còn khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.

Dự báo này được tính toán trên cơ sở dự kiến GDP theo giá hiện hành năm 2020 đạt 6.807 nghìn tỷ đồng. Nợ công năm tới dù tiếp tục giảm về tỷ lệ so với GDP nhưng xét về số tuyệt đối thì vẫn tăng do quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam tăng lên (quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2018 là 5.535,3 nghìn tỷ đồng).

Ba nguyên nhân khiến nợ công so với GDP tiếp tục giảm trong năm nay. Đầu tiên là tình hình cân đối NSNN diễn biến thuận lợi, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn của Chính phủ để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển. Kế đó, các giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh tốc độ giải ngân trong những tháng cuối năm nếu được triển khai hiệu quả sẽ đưa tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 đạt khoảng 78,7% kế hoạch năm. Nguyên nhân thứ ba là dư nợ bảo lãnh Chính phủ tiếp tục giảm do Chính phủ siết chặt.

Theo ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, Bộ Tài chính đã giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài, tập trung huy động vốn trong nước với lãi suất hợp lý, phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn dài để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Nhờ đó, thúc đẩy phát triển thị trường TPCP trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn, đồng thời siết chặt việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, hạn chế rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cho NSNN.

Cụ thể, cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển biến khả quan theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài. Tỷ trọng dư nợ trong nước hiện nay chiếm khoảng 62% nợ Chính phủ (so với tỷ trọng 40% vào năm 2010).

Từ đầu năm 2019 đến nay, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân duy trì ở mức rất dài là 13,3 năm, tăng mạnh so với mức bình quân 4,8 năm trong giai đoạn 2011-2015. Lãi suất phát hành giảm đáng kể, góp phần giảm chi phí huy động vốn cho NSNN. Lãi suất phát hành TPCP trong nước giảm từ mức bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 4,95%/năm từ đầu năm 2019 đến nay. 

Bố trí đủ nguồn để trả nợ theo cam kết

Trong những năm vừa qua, Chính phủ luôn chủ động bố trí đủ nguồn trong dự toán cân đối ngân sách để trả nợ trong mức đã được Quốc hội phê duyệt, theo đúng cam kết với các nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và hình ảnh của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN được duy trì ở mức hợp lý. Đến cuối năm 2018 đạt khoảng 15,9%, thấp hơn ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép là 25%...

Trong bối cảnh cân đối ngân sách cho chi trả nợ còn nhiều khó khăn, đồng thời để phòng ngừa rủi ro thanh khoản cho danh mục nợ công, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để triển khai các phương án mua lại, hoán đổi TPCP đáo hạn trong năm 2020 và năm 2021 tại các thời điểm trung-dài hạn.

Việc quản lý nợ công và tái cơ cấu nợ công từ nay đến cuối giai đoạn 2020 và giai đoạn 5 năm tiếp theo cần được tiếp tục triển khai đồng bộ với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, có cơ cấu lại NSNN, đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (TCTD).

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công. Việc nghiên cứu, đề xuất các ngưỡng an toàn nợ công cho giai đoạn 5 năm tới sẽ được đánh giá hết sức thận trọng, không chỉ tập trung vào quy mô nợ so với GDP mà còn phải phù hợp khả năng chi trả nợ của NSNN, ưu tiên tạo thêm dư địa để bố trí nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển.

Đối với vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách lớn trong việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, tập trung cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. 

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của cơ quan địa phương, hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và TCTD theo hình thức tự vay, tự trả, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nợ công của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, các cán bộ, đảng viên cần nắm vững tình hình, tuyên truyền cho người thân, bạn bè và quần chúng. Để từ đó củng cố niềm tin về sự phát triển ngày càng bền vững của nền kinh tế nước ta, tránh bị tác động tiêu cực bởi các thông tin không khách quan, xuyên tạc sự thật nhằm mục đích xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ, đảng viên cần hiểu đúng về nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.