Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống ''bệnh thành tích'', xây nếp trung thực

Long Hà| 06/07/2020 06:18

(HNM) - Nhà thơ đầu thế kỷ XIX Nguyễn Công Trứ viết bài thơ “Đi thi tự vịnh” trong đó có hai câu đúc kết khá hay về chí khí của đấng nam nhi (và rộng hơn là của bất kỳ ai) trong cuộc đời: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”.

Hiểu nôm na, đã là con người, việc phấn đấu để tạo dựng công danh, sự nghiệp cho mình ở đời là điều dễ hiểu. Nhưng lập danh và lưu danh thế nào lại là chuyện rất đáng suy nghĩ như cha ông ta đúc kết “Làm người phải đắn phải đo. Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu”…

Lập danh với ai cũng cần, thời nào cũng nên. Bởi thế, cũng có nhiều cách để nổi danh trong một cơ quan, đơn vị, tùy theo thực tài và đạo đức, nhân cách mỗi người.

Người có thực tài, có nhân cách thì thường không ngại việc, đắm mình trong công việc được giao để làm tròn nhiệm vụ và thành danh nhờ sự tận tụy, “nói ít làm nhiều”.

Ngược lại, người không thực tài nhưng đạo đức hạn chế, tham vọng lập danh quá lớn… lại thường “nói nhiều làm ít” rồi tìm cách “đánh bóng” tên tuổi qua việc thổi phồng kết quả, thậm chí lấy cả công sức người khác về thành của mình. Trường hợp này lập danh đã bị biến thành háo danh, ham địa vị.

Háo danh, ham địa vị ắt dẫn tới “bệnh thành tích”. “Bệnh thành tích” không chỉ nuôi dưỡng bệnh háo danh, mà còn kéo theo nhiều loại bệnh khác cho cá nhân và cho cả tập thể: Ba hoa, che giấu khuyết điểm, chủ quan, thiếu trách nhiệm…

Ngày 1-6-1947 trong bài viết “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” trên Báo Sự thật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rất rõ cách nhận diện về “bệnh thành tích” trong thực tế: “Đi đến nơi nào có cán bộ tốt thì cảnh tượng tốt bày ngay ra trước mắt... Nơi nào cán bộ xoàng thì vùng đó đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”.

Tiếc là tuy đã được chỉ ra từ lâu, song “bệnh thành tích” vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi.

Không quá khó để nhận diện ở nhiều cơ quan, đơn vị: Có những cán bộ, đảng viên nói rất nhiều, nhưng hiệu quả đóng góp cho công việc chung chẳng có bao nhiêu. Có những cơ quan, lãnh đạo luôn báo cáo rằng đơn vị mình trong sạch, vững mạnh, đoàn kết. Nhưng hoạt động thì lúc nào cũng “uể oải, úi xùi”, đến khi cần sự quy tụ chung thì thể hiện rõ ngay sự phân hóa, bè cánh.

Không quá khó để nhớ lại một thời gian dài, ngành Giáo dục nổi tiếng với những học bạ, điểm thi và tỷ lệ học sinh giỏi… rất cao. Nhưng rồi, vẫn thầy ấy, trường ấy, chỉ thay đổi cách đánh giá, cách tuyển sinh, thì kết quả lại tụt sâu so với trước.

Cũng không quá khó để nhớ lại chuyện chưa xa là việc nhiều tỉnh, thành đua nhau khởi công công trình to lớn, trong khi ngân sách địa phương lại không đủ cân đối nguồn vốn. Hậu quả là cả nước có hàng trăm công trình dang dở, trong khi kinh tế đất nước mất cân đối; hiệu quả đầu tư không cao, thậm chí lãng phí; kèm theo đó là những thất thoát, tiêu cực. Chỉ khi Luật Đầu tư công siết lại quy định về đầu tư gắn với quy hoạch, với nguồn vốn… thì tình trạng “bệnh thành tích” này mới giảm rõ rệt.

Cũng không quá khó để nhận diện “bệnh thành tích” ở nhiều địa phương hiện nay qua báo cáo với những con số tăng trưởng, tỷ lệ đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển… nhưng thực tế chất lượng cuộc sống của người dân lại không đúng với những gì mô tả.

V.v...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” có chỉ rõ: “Mắc “bệnh thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi…” - chính là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Đồng thời cũng cảnh báo những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị liên quan tới căn bệnh này: “Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình”… “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả”… Hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo”…

“Bệnh thành tích” khiến đảng viên suy thoái, tổ chức Đảng giảm sút vai trò lãnh đạo!

Đã mắc bệnh, đương nhiên cơ thể không thể khỏe mạnh. Đặc trưng cơ bản của “bệnh thành tích” là không trung thực. Một cơ thể không khỏe mạnh, lại không được chẩn đoán đúng bệnh, thì giải pháp chữa bệnh ắt khó có thể nói là hiệu quả. Thực tế công tác tổ chức đại hội tổ chức cơ sở Đảng ở Đảng bộ Hà Nội vừa qua có một ví dụ sinh động về bài học này: Toàn bộ 83/83 chi bộ, đảng bộ cơ sở có vấn đề khó khăn cần quan tâm củng cố theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đều đã tổ chức đại hội thành công. Trong khi đó, do không nắm chắc được tình hình, nên vẫn có một số đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội chưa thật sự thành công thể hiện rõ nét nhất là nhân sự chủ chốt do cấp ủy giới thiệu, định hướng, được cấp trên phê duyệt đã không trúng cử; tình trạng bè cánh vẫn thể hiện qua lá phiếu bầu cử cấp ủy mới.

Để chống “bệnh thành tích”, trước hết phải xây cho được nếp sống, nếp làm việc trung thực. Mỗi cá nhân phải trung thực với chính bản thân mình, với đồng chí, đồng đội, với gia đình và xã hội; trung thực trước công việc và trung thực trong thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Kiên quyết chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và tự giác, chủ động sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm thông qua đẩy mạnh phê bình và tự phê bình. Với tổ chức Đảng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá đúng việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, qua đó đánh giá đúng phẩm chất và năng lực cán bộ.

Đảng viên tốt thì tổ chức Đảng mới mạnh. Sự vững mạnh ấy muốn lâu bền - phụ thuộc vào việc chống cho được “bệnh thành tích” đang tồn tại ở một số cán bộ, đảng viên. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống ''bệnh thành tích'', xây nếp trung thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.