Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 điều bạn nên biết nếu muốn làm trong ngành khách sạn

Huyền Nguyễn| 28/08/2019 09:11

Ngành khách sạn hiện đang là một trong những ngành dịch vụ có tốc độ phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Cơ hội làm việc trong các khách sạn, resort cũng ngày càng nhiều và thu hút lượng nhân sự rất lớn. Làm việc trong môi trường dịch vụ này mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị nhưng cũng không ít khó khăn và thử thách. Nếu bạn cảm thấy mình muốn phát triển sự nghiệp trong ngành khách sạn, hãy suy nghĩ đến 5 điều quan trọng dưới đây.

Thời gian làm việc phức tạp

Nếu như các lĩnh vực khác hầu hết làm giờ hành chính, thì riêng với ngành khách sạn - du lịch, thời gian làm việc phức tạp hơn rất nhiều. Với những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách hàng như lễ tân, tiền sảnh hoặc các cấp quản lý, bạn sẽ phải làm việc theo ca kíp và thường xuyên phải luân chuyển thời gian ngày đêm phù hợp. Không chỉ vậy, những dịp lễ, Tết là những kỳ nghỉ của mọi người thì lại là những ngày tăng ca và làm việc hết công suất của nhân viên khách sạn, bởi lượng khách tăng đột biến.

Với những bộ phận làm giờ hành chính như marketing hoặc sale, thì những dịp đặc biệt, bạn cũng có thể được yêu cầu làm thêm giờ, tăng ca buổi tối để phục vụ hoạt động của khách sạn. Đây là một cản trở rất lớn dành cho những bạn không thích nghi được việc thường xuyên phải thay đổi thời gian sinh hoạt. Bạn nên cân nhắc vấn đề thời gian làm việc khi bạn muốn tìm việc làm trong ngành khách sạn bởi điều này có thể làm xáo trộn đời sống cá nhân của bạn.

Giao tiếp tốt luôn là điều kiện cần

Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng trong ngành nghề cần tiếp xúc với khách hàng, nhất là trong ngành khách sạn. Khách hàng của khách sạn bao gồm cả khách nội địa và khách nước ngoài, sự khác biệt về văn hóa, cách giao tiếp là rất lớn. Việc giao tiếp tốt và khéo léo là điều cần thiết để dễ dàng hòa nhập và làm quen với mọi người cũng như chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Ngoài ra, bên cạnh khả năng giao tiếp tốt thì thái độ tích cực, vui vẻ, khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt và luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người cũng là những yếu tốt rất cần để có thể làm việc một cách dễ dàng ở nơi đây. Điều này không chỉ giúp đồng nghiệp yêu mến bạn mà còn khiến khách hàng hài lòng với dịch vụ của khách sạn hơn.

Môi trường làm việc đa dạng

Khách sạn giống như một xã hội thu nhỏ với rất nhiều lĩnh vực và vị trí được sắp xếp trong cùng một ngôi nhà như: Nhà hàng, quầy bar, quán café, khu vui chơi trẻ em, khu vực check-in, dịch vụ bể bơi, spa, marketing, IT… Những đồng nghiệp của bạn cũng sẽ có chuyên môn và lĩnh vực đa dạng. Chính vì vậy, làm việc trong một khách sạn đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy ngợp, bối rối và không thể thích nghi được khi phải làm việc chồng chéo với nhiều bộ phận khác nhau.

Tuy nhiên, điều này cũng có lợi ích bởi có nhiều cơ hội để thăng tiến khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu vượt qua được những thử thách ngày đầu, bạn sẽ học được rất nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong ngành dịch vụ. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng chuyển đổi giữa các công việc trong ngành.

Áp lực công việc rất cao

Những công việc liên quan trực tiếp đến phục vụ khách hàng như ngành nhà hàng khách sạn được xem là những môi trường làm việc có áp lực rất cao. Không chỉ áp lực về mặt thời gian khi khách hàng nào cũng muốn được ưu tiên phục vụ trước, mà bạn còn bị ảnh hưởng bởi những sự cố ngoại cảnh có thể xảy ra bất cứ khi nào. Mọi thứ xảy ra thường phải được giải quyết “ngay bây giờ”.

Chính vì vậy, áp lực về mặt thời gian và xử lý công việc có thể dẫn tới cách giải quyết sai tại thời điểm đó. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân mình và khách hàng, mà danh tiếng của khách sạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Do vậy, hãy học cách làm việc hiệu quả dưới áp lực cao và thường xuyên thử thách với những tình huống bất ngờ để trau dồi kỹ năng làm việc và giải quyết vấn đề trong ngành dịch vụ này.

Mức lương trung bình cao hơn các ngành khác

Dù ở môi trường nào thì lương của bạn cũng thay đổi dựa vào chức vụ, kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Tuy nhiên, trong ngành khách sạn, đi cùng với áp lực công việc và thời gian thì mức lương của nhân viên tại đây cũng tương đối khá. Ngoài mức lương cố định, các khách sạn 4 hoặc 5 sao cũng sẽ có một khoản “service charge” (phí dịch vụ) mỗi tháng cho tất cả nhân viên từ doanh thu. Mức hoa hồng này phụ thuộc vào doanh số của khách sạn tháng đó nên có thể khác nhau mỗi tháng. Chưa kể việc làm tăng ca, đổi ca hoặc làm ngày lễ, Tết thì lương cũng sẽ được tính tăng theo phần trăm so với ngày thường. Vậy nên, bạn không phải "lăn tăn" khi nhận mức lương hơi thấp lúc ban đầu, bởi nếu tính tổng thu nhập từ các khoản, thì mức lương của ngành khách sạn cũng được xem là khá cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 điều bạn nên biết nếu muốn làm trong ngành khách sạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.