Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Xuân Lộc| 08/12/2021 06:53

(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa thành lập 3 đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm năm 2021 từ nay đến hết ngày 15-12 tại 30 quận, huyện, thị xã. Thông qua hoạt động này, các đoàn phúc tra sẽ đưa ra những đánh giá, góp ý nhằm từng bước tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương; đồng thời giúp người tiêu dùng nhận diện những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn.

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trang Thu

Xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm

Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Trong 11 tháng năm 2021, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 48.263 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm 6.588 cơ sở với số tiền phạt gần 3,7 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn thực phẩm được tăng cường, nhất là các đợt cao điểm, như: Lễ hội, Tết, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu năm 2021… Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Qua đó, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở. Cùng với đó, nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức của người sản xuất, kinh doanh về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng và chính quyền cấp xã, phường, thị trấn còn chưa quyết liệt và thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở một số xã đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định, như: VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000...

Trước thực tế đó, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hằng năm, thành phố đã thành lập các đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn theo bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm được UBND thành phố Hà Nội ban hành. Thông qua việc đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm, thành phố sẽ xếp loại và biểu dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời yêu cầu các đơn vị chưa thực hiện tốt phải có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Tuần qua (từ ngày 30-11 đến 4-12), Đoàn công tác số 1 về phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra và xếp loại xuất sắc cho một số quận, huyện: Tây Hồ, Gia Lâm và Long Biên.

Qua kiểm tra thực tế và tổng hợp ý kiến đánh giá của các thành viên Đoàn công tác số 1, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Phó Trưởng đoàn số 1 về phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của thành phố đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm của các quận, huyện được xếp loại xuất sắc. Kết quả này cho thấy, sự chỉ đạo của UBND các quận, huyện, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và UBND các xã, phường trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời duy trì các mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Để được xếp loại xuất sắc, quận Long Biên đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, quận đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể của quận và các phường đã chủ động phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát an toàn thực phẩm, xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời vi phạm. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm của quận và 14 phường được duy trì thường xuyên. Thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo kế hoạch đã xây dựng, trước mắt là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2022.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn số 1 về phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của thành phố yêu cầu, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được các địa phương tiếp tục siết chặt và tăng cường thường xuyên, liên tục. Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất công tác triển khai an toàn thực phẩm và phòng dịch của cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

“Cùng với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện cần tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, cơ quan chức năng phải rà soát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng dịch tại tất cả các chợ, nhất là chợ "cóc", chợ tạm. Cùng với đó, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người tiêu dùng và tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.