Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người giữ hồn giống đào Thất Thốn

Lê Thị Huyền Trang| 28/01/2019 07:11

(HNM) - Vùng đất Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) những ngày cuối năm ấm áp đến lạ bởi những cánh đào đua nhau khoe sắc. Vườn đào Thất Thốn của nghệ nhân Lê Hàm cũng góp vào đó một phần sắc thắm kiêu kì.

Nghệ nhân Lê Hàm chăm sóc đào Thất Thốn. Ảnh: Tuấn Minh


“Kẻ gàn dở” của Nhật Tân

Đào Thất Thốn là giống đào quý, mang một vẻ đẹp cổ kính với những gốc mắt to xù xì và đóa hoa bật sắc. Chẳng ai biết rõ gốc tích của chúng ở đâu và loài hoa lạ này đã đến với Nhật Tân từ khi nào, chỉ biết giống đào này đã chinh phục được cả những bậc chơi cây lão làng nhất.

Thế nhưng, Thất Thốn lại là giống đào kiêu kì bất phục. Chúng chỉ nở vào những ngày “khóa xuân”, khi cái hối hả đầu năm đã “cạn”, các giống đào phai, đào bích đã tàn và lòng người chẳng còn mấy đoái hoài đến cành bung lộc biếc. Chính vì sự đỏng đảnh ấy mà bấy lâu đã bao nhiêu người trồng đào chẳng còn nặng lòng với Thất Thốn, bóng dáng chúng thưa thớt dần trên đất Nhật Tân. Chỉ còn một vài người đam mê cùng giống đào này cho đến ngày nay, trong số đó không thể không kể đến nghệ nhân Lê Hàm.

Đối với ông Hàm, Thất Thốn là hiện thân của vẻ đẹp đối lập tiêu biểu khi trên những gốc cây xù xì, gân guốc lại bung nở những cánh hoa mỏng manh, mềm mại như nhung. Chính sự đối lập đã tạo nên nét khác biệt của loài hoa vương giả này, khiến chúng nổi bật, kiêu sa giữa một rừng đào mảnh mai khác. Vẻ đẹp ấy đã khiến nghệ nhân Lê Hàm mê mẩn mà miệt mài theo đuổi.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống trồng đào ở Nhật Tân, trong người vốn có “máu nghệ sĩ” lại thêm bản tính thích chinh phục, ông Hàm không đành lòng lỡ mối lương duyên với giống đào đẹp, để rồi đến nay, người đàn ông này đã có 29 năm gắn bó với đào Thất Thốn. Bấy nhiêu năm với biết bao lần thất bại, những năm mất mùa nhìn bông đào trễ hẹn với từng đoàn người lướt qua chỉ có thể ngoái nhìn chứ chẳng thể dừng chân. Các phương pháp sưởi điện hay quây ni lông cũng trở nên vô dụng.

Người nghệ nhân buồn vì thất thu và “đau” vì cái “bản tính” kiêu kì của giống đào quý nhưng ông nhất định không bỏ cuộc. Ông dùng kinh nghiệm năm trước làm bài học cho năm sau, cứ thể vấp ngã và say mê. Ngay cả khi người ta lời ra tiếng vào, khuyên ông dừng lại thì người nghệ nhân vẫn kiên định đến mức “gàn dở”.

Việc lắp phòng điều hòa để “ép” hoa nở đúng vụ là quyết định đầu tư táo bạo nhất của ông. Dốc vốn, dốc sức và dốc lòng, 3 năm nay vườn Thất Thốn đã được mùa. Những đóa hoa bung nở rực rỡ đúng độ xuân về chính là đáp đền cho sự kiên trì và say mê của một “gã si tình”. Sự “gàn dở” của ông trở thành điều đáng mơ ước và ngưỡng mộ. Ông tếu táo: “Ừ thì người ta gọi tôi là gàn dở cũng được mà”!

“Liều“ phải có cơ sở

Ông Hà, một nghệ nhân lớn tuổi trồng đào Thất Thốn ở Nhật Tân khi nói về Lê Hàm chỉ dùng một chữ “liều”. Chia sẻ về nhận xét này, nghệ nhân Lê Hàm cười: “Liều thì đúng là cũng liều đấy nhưng liều cũng phải có cơ sở. Đào Thất Thốn là giống đào thử thách lòng kiên nhẫn của người trồng. Dù là giống đào khỏe và kiên cường nhưng để đợi được đến lúc trổ mã nhất thì cũng mất tối thiểu 10 năm. Có nghĩa là phải đợi 10 năm mới có thể đưa ra kinh doanh. Đấy là còn chưa kể đến cái tính đỏng đảnh hay nở muộn nên nhiều năm coi như mất trắng. Nghe cái giá cho thuê mỗi cây đến cả chục triệu đồng, trăm triệu đồng thì ai cũng muốn trồng nhưng trồng thì khó. Nhiều “đồng chí” cũng thử thách và đã “ngã xuống” rồi ấy chứ. Có những người cũng say sưa lắm nhưng vì phụ thuộc thời tiết nên vẫn chưa thành công. Tôi đúc rút kinh nghiệm từ họ và kinh nghiệm của mình, thay vì “trông trời, trông đất, trông mây” thì tôi sử dụng nông nghiệp công nghệ cao để hoa nở đúng dịp. Nguồn lợi nhuận thu được từ đào Thất Thốn ở thời điểm hiện tại đối với tôi là xứng đáng với sự đầu tư có phần liều lĩnh đó”.

Ông Hàm còn chia sẻ thêm, ông đã nghiên cứu kỹ đặc điểm của từng loại đào Thất Thốn để tìm ra cách chăm sóc phù hợp. Phân tích cả mẫu đất và nhiệt độ những vùng trồng đào miền cao, thậm chí ông tự trồng cỏ cho các gốc đào và theo dõi tỉ mỉ chúng để nhận biết bệnh sớm qua cỏ.

Việc tìm ra mô hình trồng đào phù hợp cũng khiến ông mất rất nhiều thời gian đắn đo, suy nghĩ. Mô hình canh tác dùng điều hòa nhiệt độ phù hợp với giống đào Thất Thốn bởi giống đào này cây nhỏ, khi mang vào phòng điều hòa không chiếm diện tích quá nhiều, với mỗi phòng ông có thể chứa được trên dưới 20 gốc đào tùy loại to nhỏ. Tất cả những điều đó cho thấy để trồng được giống đào này cần cả một kế hoạch, tính toán khoa học và kỳ công.

Qua được những băn khoăn về chuyện đào nở muộn thì lại đến những lo lắng về việc thất thoát đào mỗi năm. Gần 100 gốc đào ở vườn ông Hàm đều là để cho thuê. Mỗi lần thu về lại hao hụt 30-40%. Ông kể: "Có những gốc đào người ta mang đi biếu tặng, không trả được hay người ta chơi trong Tết mà không biết chăm sóc khiến cây chết thì mình cũng phải thông cảm cho họ chứ không biết làm thế nào". Để rồi, ông lại cần mẫn giâm những mầm đào mới, chăm sóc và chờ đợi đến ngày chúng trổ mã, đơm bông.

Yêu cầu của khách thuê đào với ông Hàm cũng là một thách thức. Người chơi đào Thất Thốn hầu hết đều rất “sành”, tinh tế và có yêu cầu cao. Có những vị khách kỹ tính, họ đến trước cả tháng để chọn cây vừa ý, nhờ nghệ nhân chăm sóc cẩn thận sao cho hoa trổ đẹp vào đúng dịp Tết. Đối với những vị khách như thế, ông Hàm càng trân quý và lưu tâm hơn.

Đến nay, mô hình trồng đào Thất Thốn của nghệ nhân Lê Hàm đang là mô hình lý tưởng với các hộ trồng đào ở Nhật Tân. Ông Hàm chia sẻ: “Hiện tại mới chỉ nhà tôi áp dụng phòng điều hòa cho đào Thất Thốn, nhưng tin rằng, sau này rồi các nhà khác cũng sẽ làm. Giờ tôi cũng chưa có kế hoạch chắc chắn về cải tiến mô hình trồng đào mới, có chăng chỉ là dần rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện hơn, nhằm phục vụ thị trường hoa Tết và những người yêu đào Thất Thốn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ hồn giống đào Thất Thốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.