Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Hà Nội: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tuyết Minh| 07/06/2020 07:32

(HNM) - Thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất và kinh phí vận hành là những nguyên nhân chính khiến công tác phổ cập bơi thời gian qua ở nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gỡ khó, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phổ cập bơi, đẩy mạnh phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Hà Nội nỗ lực phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Toàn thành phố mới có 388 bể bơi

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có 220 bể bơi cố định, 168 bể bơi lắp ghép (bể bơi thông minh). Trong năm 2019 đã có gần 60 nghìn trẻ em được học bơi, gấp đôi số trẻ được học bơi trong năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục nghìn trẻ em khác trên địa bàn Hà Nội chưa có cơ hội tiếp cận với các kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Chuyên viên Bộ môn bơi, Phòng Quản lý thể dục, thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thu Thủy cho biết, do không bố trí được quỹ đất lắp đặt bể bơi cũng như kinh phí vận hành, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc phổ cập bơi cho trẻ em. Không ít nơi, như huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn... phải tận dụng ao, hồ để dạy bơi cho trẻ, nên hiệu quả thấp. Điển hình là trường hợp của huyện Sóc Sơn, do quỹ đất hạn hẹp, nên dù đã huy động được nguồn kinh phí song đến nay vẫn chưa thể triển khai xây lắp.

Những khó khăn, hạn chế kể trên khiến hàng chục nghìn trẻ em trên địa bàn thành phố chưa được trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước. Em Kiều Nhật Minh (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Em mong được học bơi một cách bài bản, song vì không có bể bơi đạt chuẩn ở nơi sinh sống, nên thường phải tự tập bơi với bạn bè tại ao làng…”.

Tăng cơ hội học bơi cho trẻ em

Gỡ khó cho các địa phương, mang đến nhiều hơn cơ hội học bơi cho trẻ em, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình phổ cập kỹ năng phòng, chống đuối nước miễn phí. Dịp hè năm nay, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức 30 lớp dạy bơi cho khoảng 4,5 nghìn trẻ em ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở trên toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Theo Trưởng phòng Quản lý thể dục, thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến, các lớp học này sẽ hỗ trợ tích cực cho địa phương trong việc đẩy mạnh phổ cập bơi, tăng hiệu quả phòng, chống đuối nước cho trẻ.

“Trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động đề xuất giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như năng lực vận hành; chủ động tiếp cận với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030 của thành phố, nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ trên địa bàn”, ông Đinh Văn Luyến nói.

Cũng theo ông Luyến, kinh nghiệm của một số địa phương là tăng tính tự chủ cho các nhà trường trong việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư xây dựng bể bơi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia góp vốn; khuyến khích hội phụ huynh giám sát việc kinh doanh bể bơi ngoài quỹ thời gian bắt buộc dành cho học sinh…

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, cùng với việc đề xuất UBND thành phố tăng nguồn kinh phí hằng năm về phòng, chống tai nạn đuối nước, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc lắp đặt các bể bơi di động, trong đó ưu tiên các địa phương gần vùng sông nước.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang triển khai kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lập đề án xây dựng bể bơi thông minh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, tạo cơ chế để xây dựng các bể bơi kiên cố, tạo điều kiện cho học sinh tăng cường rèn luyện thể lực, trong đó có môn bơi. Về lâu dài, cần đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất bắt buộc theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dưới góc độ của ngành Giáo dục, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã yêu cầu 30 phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố chủ động tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã về việc ưu tiên đầu tư kinh phí cho các trường tiểu học xây dựng bể bơi thông minh.

Đồng tình với cách tiếp cận này, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thuyên thông tin, huyện vừa trang bị 7 bể bơi thông minh cho một số xã trọng điểm và dự kiến tiếp tục triển khai lắp đặt thêm, nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh ngay trong hè này.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tin tưởng rằng Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu phổ cập bơi, chống đuối nước cho trẻ em trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Hà Nội: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.