Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ép buộc, tổ chức uống rượu, bia tại công sở đều bị phạt

Thu Trang| 28/09/2020 17:42

(HNMO) - Ngày 28-9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Người Việt uống rượu, bia gấp 4 lần người Singapore

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mạn tính. Rượu, bia gây tác hại với cả người uống, người xung quanh đối tượng uống và với cả cộng đồng xã hội.

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% GDP. Chi phí xử lý 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (gồm ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.

Thế nhưng, theo báo cáo của WHO, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Ước tính trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất/năm, nhiều hơn so với người Trung Quốc và cao gấp 4 lần so với người Singapore.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra tác hại của rượu, bia gây ra các vụ tai nạn giao thông, làm gia tăng một số bệnh không lây nhiễm, như: Ung thư, tim mạch, xơ gan... Thậm chí, rượu, bia còn là nguyên nhân gây mất an ninh trật tự xã hội, gia tăng các vụ bạo lực trong gia đình... Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau gần 9 tháng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019-NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đóng vai trò vô cùng quan trọng để lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận dụng và thực hiện, giảm tình trạng tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Thế nhưng, trên thực tế, khi tai nạn giao thông xảy ra, nhiều người không hợp tác khi kiểm tra thổi nồng độ cồn...

Toàn cảnh hội nghị.

Uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc đều bị phạt

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Cụ thể, tại các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của rượu, bia, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, ngành và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ.

"Các địa phương cần tập trung triển khai các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về nghiêm cấm điểm kinh doanh, bán bia, rượu và nghiêm cấm địa điểm tổ chức uống bia, rượu", ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 28-9-2020, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 (thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) trong đó có một phần quy định về phòng, chống tác hại rượu, bia.

Cụ thể, tại Điều 30 của Nghị định 117 quy định, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia...

Ngoài ra, tại Điều 34 của Nghị định 117 cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, nghị định nêu rõ phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu: Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức; không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống; không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ép buộc, tổ chức uống rượu, bia tại công sở đều bị phạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.